Thực tế cũng cho thấy, dịch sốt xuất huyết đang diễn biễn phức tạp. Theo công bố của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ riêng trong tuần đầu tháng 7, thành phố đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 29 quận, huyện; 246 xã, phường, thị trấn. Các khu vực có ổ dịch diễn biến phức tạp cả ở khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành. Hiện nay toàn thành phố vẫn còn 13 ổ dịch đang tồn tại.
Vừa qua CDC Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số địa phương. Kết quả cho thấy, tại khu vực ngoại thành, những hộ gia đình có vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu và các dụng cụ chứa nước… là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn-vật trung gian gây bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Trong khi đó, ở một số khu vực nội thành, người dân vẫn chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngay cả biện pháp đơn giản như phòng, tránh muỗi đốt. Khu vực nội thành là nơi có mật độ dân cư cao, khi dịch bùng phát, dễ lây lan hơn khu vực có mật độ dân cư thưa.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh nhân liên tục bị sốt cao, khó hạ thân nhiệt về mức bình thường, sốt xuất huyết gây mất nước, có thể gây xuất huyết ở da. Khi bệnh nặng, bệnh nhân có thể bị nhiều biến chứng và có thể tử vong.
Tuy là bệnh phức tạp, nhưng sốt xuất huyết là loại bệnh có thể phòng, tránh một cách chủ động được. Biện pháp đơn giản, dễ làm nhất là chặn đường truyền bệnh. Sốt xuất huyết do một số loại virus gây ra. Các virus này không lây trực tiếp từ người sang người, mà thông qua vật trung gian là muỗi vằn (muỗi anophen)-loại muỗi có tập tính chỉ sinh sản trong nước sạch.
Địa điểm để muỗi vằn đẻ trứng, nở ra bọ gậy có thể là bất cứ nơi đâu như bể nước, các cốc nhựa có nước để lâu ngày, hay khu vực để rác thải có vật dụng có thể chứa nước… Chỉ một ít nước mưa đọng lại trên các vật dụng cũng có thể trở thành nơi muỗi vằn sinh sản.
Để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế đòi hỏi phải có sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. Mỗi người dân cần tăng cường “vắc-xin” ý thức từ những việc làm rất đơn giản hằng ngày như: Loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng thả cá, dùng hóa chất; mắc màn khi ngủ; chủ động dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, không để cây cối, bụi rậm... Sự tham gia của cộng đồng chính là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và rẻ tiền nhất trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết.