Ngăn chặn biến tướng, lệch lạc trong thờ Mẫu

Sau sáu năm được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đang có sức sống mạnh mẽ. Ngày càng nhiều cơ sở tín ngưỡng có các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là nghi thức hầu đồng-một hình thức diễn xướng tâm linh quan trọng của thờ Mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn hầu đồng tại đền Rừng (quận Long Biên, thành phố Hà Nội).
Trình diễn hầu đồng tại đền Rừng (quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Sự phát triển này khiến nguy cơ biến tướng, sai lệch đối với thờ Mẫu ngày càng lớn, nhất là địa bàn có nhiều cơ sở thờ tự liên quan đến thờ Mẫu như Hà Nội.

Tháng Tám âm lịch có ngày giỗ Ðức Thánh Trần (ngày 20/8), nên ở nhiều đền, phủ, điện, linh từ… trên địa bàn Hà Nội đều tổ chức hoạt động tâm linh, nhất là các buổi hầu đồng. Trái với tình trạng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ thất truyền hay khó khăn trong tồn tại, tín ngưỡng thờ Mẫu đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tại Hà Nội, có gần 600 đền, năm phủ, 1.230 điện tư gia... Ngoài những di tích có lịch sử lâu đời, thì số lượng điện thờ Mẫu tại các gia đình vẫn tiếp tục tăng do người tham gia tín ngưỡng thờ Mẫu liên tục "trình đồng mở phủ". Sự phát triển quá nhanh này dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong khi đó, các sinh hoạt khá phức tạp, từ việc bài trí thờ cúng, trang phục cho đến các hình thức diễn xướng. Nguy cơ sai lạc càng cao hơn khi tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là sinh hoạt dân gian không có tổ chức nghề nghiệp, không có người thẩm định chuyên môn… Ðiều này không chỉ khiến giới nghiên cứu, mà bản thân những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lâu năm cũng hết sức băn khoăn. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn (quận Ba Ðình) cho biết: "Có nhiều biến tướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, như: Diễn xướng tùy tiện; trang phục, đạo cụ, văn hầu… lệch chuẩn; thực hành mê tín dị đoan trong nghi thức hầu đồng… thậm chí là tìm cách để con nhang đệ tử bỏ ra khoản tiền lớn để tổ chức hầu đồng, khiến họ tán gia bại sản...". Việc tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khiến một số đối tượng tranh thủ "mượn danh" di sản để trục lợi cá nhân, nhất là mượn danh "nhà Thánh" để đưa ra yêu cầu với các con nhang đệ tử.

Ðể chủ động ngăn chặn những biến tướng, lệch lạc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội đưa Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành hoạt động thường niên, nhằm tạo sân chơi, diễn đàn cho những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu; tổ chức các buổi tọa đàm khoa học; các lớp tập huấn. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ với đối tượng tham gia chính là đại diện Ban quản lý di tích, thủ nhang các phủ, đền, điện, miếu thờ Mẫu; thanh đồng, cung văn tiêu biểu. Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia thông tin về vai trò của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trong đời sống; phổ biến những vấn đề pháp luật liên quan đến di sản thờ Mẫu, các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động tín ngưỡng; nhất là Văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/2/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các nghệ nhân trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa đã nhấn mạnh: Ðể triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt thì các nghệ nhân cần chú ý chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng… Hội nghị được nghe các ý kiến phản hồi của những người thực hành di sản. Ðáng lưu ý là ý kiến của các Nghệ nhân Ưu tú: Lưu Ngọc Ðức, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Tất Kim Hùng. Các nghệ nhân đều bày tỏ những băn khoăn, lo lắng trước thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu "nở rộ" một cách thái quá. Trước đây, người thực hành di sản phải có ít nhất 12 năm thực hành, tu tâm học đạo mới được công nhận là đồng thầy thì hiện nay, chỉ vài năm trình đồng mở phủ người ta đã tự xưng "đồng thầy". Ðiều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với di sản tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ðể tiếp tục ngăn chặn những lệch lạc đặt ra trong tín ngưỡng thờ Mẫu, theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, ngành văn hóa Thủ đô sẽ tập trung triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm thực hiện các nội dung đã cam kết với UNESCO; ban hành và tổ chức triển khai Ðề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt Nam.