Nhớ dạo ấy đang mùa hạ, Tây Nguyên mưa tối trời, nắng trút lửa. Vũ Bình, một cán bộ rất trẻ ngành ngoại giao được bộ chỉ định dẫn một đoàn cựu binh Mỹ trở lại Tây Nguyên thăm chiến trường xưa. Hai chục anh lính thủy quân lục chiến đứng đầu là một viên thiếu tướng kỳ cựu từng đánh đông dẹp bắc tiếng tăm nổi như cồn trên báo chí một thời. Họ rủ nhau cất công trở lại Việt Nam chỉ là để sống một đêm ở cái bãi núi ngày nào tiểu đoàn Cọp Ðen của họ đã quần nhau suốt cả tuần lễ với quân Giải phóng và họ chỉ có thể sống sót mà trở về nhờ có Chúa.
Cùng đi với Bình lần đó phía ta còn có hai sĩ quan, một của Cục Ðối ngoại Quân đội, một của Bộ Công an. Cả ba đều sinh ra trong những năm chiến tranh nhưng lại không biết chiến tranh là thế nào, ngoại trừ tiếng bom ở rất xa. Trước ngày đoàn cựu binh Mỹ rời Hà Nội, họ đã được Thượng tướng Nguyễn Hữu An tiếp tại nhà khách Bộ Quốc phòng. Lúc chia tay ông tươi cười nói: Chúc quý vị có một chuyến trở lại chiến trường xưa thật nhiều ý nghĩa, để nhớ lại một trận đánh, giá không có thì tốt. Theo tôi đấy là một trận tao ngộ chiến kéo dài một tuần để chúng ta hiểu nhau một đời.
Chiếc trực thăng đón đoàn ở sân bay Gia Lâm, sau hai giờ bay hạ cánh ở sân bay nhỏ một tỉnh lỵ. Cơm nước xong, chuẩn bị leo lên chiếc xe tải thì có thông báo của chính quyền sở tại hoãn chuyến đi này vì vùng họ muốn đến hiện Phun-rô đang hoạt động. Ðám cựu binh Mỹ lắc đầu thất vọng. Ông tướng già bỏ mũ để lộ mái tóc trắng phơ phơ: Bình à, mày phải gọi về Hà Nội, tao thấy tình hình xấu. O.K.
Lúc đó đang có một cuộc họp quan trọng trong tỉnh, bàn về việc nhổ cao-su, cà-phê, hồ tiêu trồng sắn. Sắn là mệnh lệnh sống còn của Tây Nguyên. Bình đi thẳng tới Bí thư và Chủ tịch tỉnh. Nghe Bình trình bày, Bí thư quay sang hỏi Chủ tịch: Việc này đã có công văn Hà Nội gửi vào từ tuần trước, tưởng thế là đủ rồi, sao giờ lại có khó khăn? Chủ tịch nói: Anh em bên Sở Công an lo việc đón khách lúc này không an toàn, địa phương cũng phải có trách nhiệm, nhỡ xảy ra đụng độ có người chết, ai chịu trách nhiệm?
Quốc Bình có ý kiến: Nếu Phun-rô ra mặt, cựu binh Mỹ và chúng tôi cùng đánh thì cũng hay chứ sao ạ. Chủ tịch lừ mắt. Bí thư vỗ bàn cười lớn.
Một giờ sau đoàn lại khăn gói lên đường. Chiếc xe tải đổ đám người xuống chân mấy quả đồi thoai thoải giữa rừng sâu rồi mất hút. Họ xúm vào dựng tăng làm lều. Ông tướng già yêu cầu mỗi người lính của mình tự vào ven rừng kiếm cho mình một cây gậy ngắn sẵn sàng đón một trận phòng vệ nếu Phun-rô quậy phá. Ba cán bộ của chúng ta bảo nhau kiếm cành khô đốt một đống lửa lớn.
Vũ Quốc Bình giục hai người đi ngủ. Nửa đêm anh chui vào lều. Một số đang ngủ. Số không ngủ túm năm tụm ba nhấp rượu suông, hút thuốc. Ánh lửa lập lòe, mùi thuốc khét. Thoáng thấy bóng Bình, viên tướng bật dậy.
- Bình à, có gì lạ không?
- O.K. Tất cả bình thường. Tôi muốn mời ông ra ngoài bàn một việc.
- O.K. Tao ra ngay.
Ông ta vui vẻ choàng thêm chiếc áo ấm bước ra khỏi lều. Vừa cho củi vào lửa vừa trò chuyện. Một già một trẻ thầm thì bằng thứ tiếng Anh quá rành mạch.
- Tôi nghĩ Phun-rô có xuất hiện thì cũng chỉ có thể xuất hiện vào lúc này. Khi trận đánh xảy ra tôi sẽ là chỉ huy, ông làm phó, như thế ông thấy sao?
Viên tướng kinh ngạc, mở to mắt nhìn vào cậu con trai non choẹt, tròng kính lấp loáng, nước da ngăm nâu, một mái tóc đen rất dễ chịu. Rồi cười khoái chí.
- Ðược thôi, mày làm tổng tư lệnh, tao làm phó cho mày. Tao chỉ muốn hỏi, tại sao mày lại nói thế?
- Tôi nói thế là để có sự thống nhất hành động. Tôi phải giữ quyền chỉ huy vì ở đây tôi là chủ mà ông là khách.
- O.K. Tao hiểu.
Vị tướng già im lặng bước vào lều. Ông làm một giấc sâu cho đến lúc mặt trời đằng đông vượt lên đỉnh núi, không thảng thốt, không trằn trọc, không có những giấc mơ quái đản như ông đã nghĩ. Cái đêm mà ông và đám người dưới quyền ông gọi là đêm Tự vấn. Hay là đêm Gọi hồn.
Hôm sau chiếc trực thăng đã quay lại đón tất cả về Ðà Nẵng. Trên sân bay ông tướng già ôm lấy Vũ Quốc Bình:
- Bình à, mày sẽ là một tướng tài nếu có chiến tranh.
- Cảm ơn ông, tôi chả mong gì làm tướng. Chúc ông và tất cả về nhà bình yên!
*
* *
Một lần cụ đi kiểm tra kè Ðình Tổ, thuộc huyện Thuận Thành, thấy một lùm cây rậm rạp ở ngay bờ sông Ðuống, hỏi được biết đó là Lăng Kinh Dương Vương. Từ nhỏ khi học chữ, ông đã biết Kinh Dương Vương là thủy tổ của Việt Nam (người đã sinh ra Lạc Long Quân). Ông vào Lăng thắp hương, thấy trên bệ thờ, bên trên bát hương có hai chữ “Bất Vong” (chẳng quên) bằng chữ Hán; ở hai hàng cột có một đôi câu đối, một bên viết “Việt Nam Sơ Ðầu Xuất” (người Việt Nam đầu tiên ra đời), bên kia đối lại “Thần Nông Tứ Thế Phân” (Cháu bốn đời vua Thần Nông); ngoài cổng có đôi câu đối khác, một vế là “Lập Thạch Kỷ Công Nam Thánh Tổ” (Dựng bia để ghi công Thánh Tổ nước Nam), đối lại là “Phong Phần Tố Tích Bắc Thần Tôn” (Ðắp mộ để ghi dấu tích cháu Thần (Nông) phương Bắc).
Ra về, ông cứ suy nghĩ mãi, các cụ ngày xưa vẫn xác định Kinh Dương Vương là cháu bốn đời của vua Thần Nông (một trong tam hoàng của Trung Quốc: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Ðế). Như vậy có một điều không chính xác, vì trên đất Việt Nam cũng có người nguyên thủy qua dấu tích của các đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng. Như vậy, sao thủy tổ người Việt Nam lại là cháu vua Thần Nông phương Bắc được. Như vậy là xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, nhưng ông cũng hiểu ngày xưa với cách học cũ, các cụ không viết khác được. Từ đó, ông luôn nghĩ phải sửa cho đúng, nếu không thì sau này không ai sửa, vì càng ngày càng ít người học chữ Hán.
Một lần trở lại, ông xin gặp các cụ hay chữ trong vùng. Ông trình bày là học chữ Hán không nhiều nên không dám nêu ý kiến trước. Xin các cụ góp ý xem nên sửa thế nào cho hay. Các cụ thưa lại:
- Anh đã khiêm tốn, thì chúng tôi xin cảm ơn, nay yêu cầu anh nêu ý kiến trước.
Lúc ấy ông mới nói:
- Với hai chữ “Bất Vong” xin đổi thành “Mạc Vong” vì sách Hán tự Tân thư có nguyên câu: “Ái quốc Mạc vong tổ” (yêu nước chớ quên ông tổ). Mặt khác, chữ Mạc Vong cũng thanh tao hơn Bất Vong.
Còn về câu đối, ông trình bày:
- Ðây là chữ của các cụ xưa để lại, ta cần rất tôn trọng, chỉ chữa những chữ không phù hợp. Vậy nên xin vẫn giữ “Việt Nam Sơ Ðầu Xuất”, còn vế kia, xin được đổi “Thần Nông Tứ Thế Phân” thành “Hồng Bàng Vạn Ðại Xương” (họ Hồng Bàng muôn đời thịnh vượng), như vậy vừa chỉnh, vừa đúng lịch sử dân tộc, thể hiện tự tôn dân tộc và lại có hậu.
Câu đối thứ hai, tôi đề nghị xin vẫn giữ vế đầu, còn vế sau xin sửa lại là “Phong Phần Quang Ðức Việt Nhi Tôn” (Ðắp mộ để sáng đức của con cháu người Việt). Tất cả các cụ lại vỗ tay hoan nghênh, không có ai sửa một chữ nào.