Nâng cao ý thức xử lý rác thải

Nhằm quản lý chất thải, tránh không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà; bảo đảm an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải, UBND thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể về công tác này, nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế.

Phun khử khuẩn rác thải có nguy cơ lây lan dịch bệnh. (Ảnh HOÀNG SƠN)
Phun khử khuẩn rác thải có nguy cơ lây lan dịch bệnh. (Ảnh HOÀNG SƠN)

Trước bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, từ đầu năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại các điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo phương án này, tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà có người nhiễm Covid-19 được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm mầu vàng, buộc chặt miệng túi và bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm mầu vàng thứ hai, buộc kín miệng túi. Các túi mầu vàng đều phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Việc vận chuyển chất thải từ nhà có người mắc F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường thực hiện, bằng phương tiện cơ động, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Các thùng đựng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng. Người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển chất thải phải đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển; rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn...

Mặc dù quy định rất rõ ràng, cụ thể, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, việc thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải tại nhà đối với người mắc Covid-19 còn nhiều hạn chế. Anh Nguyễn Văn Hùng, sinh sống tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết, ngay khi phát hiện gia đình có ba trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, anh đã thông báo với y tế phường và được hướng dẫn phương pháp cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày rất cụ thể, nhưng không hề có hướng dẫn việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt của bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, với nhận thức rác thải của người bệnh là nguồn lây nhiễm, phát tán vi- rút ra cộng đồng, gia đình anh chủ động thực hiện phân loại rác vào túi ni-lông ghi rõ rác thải sinh hoạt của người bệnh Covid-19, buộc chặt và thực hiện phun khử khuẩn trước khi đưa ra khỏi nhà.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URECO), bình quân mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã có biện pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, nhưng với số lượng các ca F0 tăng rất cao trong thời gian qua, công ty đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Ngoài ra, nhiều trường hợp F0 không thông báo với chính quyền hoặc cơ sở y tế địa phương, dẫn đến công tác quản lý, điều trị thiếu chặt chẽ, trong đó có cả vấn đề xử lý chất thải. Nhiều hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 không thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm cũng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã lập phương án cụ thể thu gom, xử lý rác thải y tế. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký hợp đồng hoặc giao bộ phận chuyên môn ký hợp đồng với đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải y tế nguy hại; đồng thời chịu trách nhiệm rà soát cung cấp đầy đủ túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm theo đúng quy định cho các hộ gia đình cách ly, mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Về đơn giá thu gom rác thải y tế phát sinh tại các hộ gia đình, các địa phương vận dụng theo đơn giá duy trì vệ sinh ngõ xóm bằng xe cơ giới kết hợp thủ công.

Như vậy, trong thời gian qua chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, đơn vị vệ sinh môi trường đã quan tâm đến việc xử lý chất thải sinh hoạt của người bệnh Covid-19, nhưng với số ca mắc mới tăng cao thì những nỗ lực trên chưa đủ. Vì vậy, mỗi người dân, nhất là những hộ gia đình có người mắc bệnh điều trị tại nhà cần chủ động phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.