Chuyển biến bước đầu
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, từ năm 2016 đến nay, quận đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 92 dự án, phê duyệt 6.757 phương án của hộ gia đình, tổ chức với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng; hoàn thành giải phóng mặt bằng 26 dự án. Qua đó, góp phần quan trọng làm chuyển biến bộ mặt đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, với đặc thù quận đang trong quá trình đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh; quá trình quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ còn nhiều bất cập; một số vi phạm về đất đai tồn tại từ nhiều năm chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội, giao thông đô thị của quận còn yếu kém, không đồng bộ; nhiều dự án thực hiện không đúng quy hoạch, việc triển khai còn kéo dài… đã tác động không nhỏ đến công tác GPMB trên địa bàn quận. Có dự án kéo dài nhiều năm như dự án cải tạo, mở rộng đường Tam Trinh, đường vành đai 2,5 hay mở rộng nút cổ chai Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như tốc độ phát triển trên địa bàn quận.
Tại huyện Phúc Thọ, trong tổng số 76 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, huyện đã hoàn thành 66 dự án (còn 10 dự án đang thực hiện). Tổng diện tích đất thu hồi là 128.411 ha, liên quan đến 3.084 hộ dân với tổng kinh phí bồi thường hơn 550 tỷ đồng. Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Dù có kết quả tích cực, song Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cũng thừa nhận, một số dự án thực hiện giải phóng mặt bằng còn chậm; một số đơn thư, khiếu nại về đất đai đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm; còn một số trường hợp vướng mắc chưa được tháo gỡ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ, cởi gỡ vướng mắc
Thực trạng ở quận Hoàng Mai, huyện Phúc Thọ cũng là thực trạng chung tại không ít địa phương, đơn vị tại Hà Nội khi thực hiện công tác GPMB. Do cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, nhiều thay đổi cùng sự vào cuộc thiếu quyết liệt, ngại va chạm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cho nên nhiều dự án được triển khai rất chậm hoặc gần như “dậm chân tại chỗ” do vướng mắc mặt bằng. Mới đây, các nhà thầu phần ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng đã dừng thi công vì không đủ mặt bằng, không chỉ làm chậm tiến độ mà gây lãng phí ngân sách rất lớn.
Tại cuộc giám sát một số cơ quan, đơn vị về kết quả thực hiện Nghị quyết số 08 vừa được tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới cách thức, phương pháp triển khai quyết liệt, phân cấp, phân quyền cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị; rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng trong thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đối với những khó khăn, vướng mắc ở lĩnh vực này, thành phố yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố để tháo gỡ, thực hiện có kết quả tốt. Trong đó, các quận, huyện cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân và công khai các dự án, tạo đồng thuận cao trong thực hiện, triển khai các dự án trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường phối hợp với các ngành để định lượng rõ khối lượng công việc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã cách thức triển khai, trong đó tính toán mô hình triển khai hoặc cơ chế đặc thù của Hà Nội trong điều kiện thành phố triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị.