Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, hôm qua ngày 14/11, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); biểu quyết thông qua ba dự án luật: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai dự án Luật nêu trên.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trên cơ sở đó biểu quyết thông qua toàn bộ từng dự án Luật. Trong đó, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được 459 đại biểu biểu quyết tán thành, bằng 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội; Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472 đại biểu tán thành, bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chiều qua, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); với đa số đại biểu tán thành (93,37% tổng số đại biểu Quốc hội).

Tạo động lực để đất nước phát triển mạnh mẽ

Quốc hội dành phần lớn thời gian buổi sáng và buổi chiều thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) và nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm khắc phục những bất cập Luật Đất đai hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn một số nội dung chưa thống nhất với các quy định khác của luật liên quan, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề bất cập trong thực tế. Do vậy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật về đất đai.

Đề cập đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) và một số đại biểu cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, còn chung chung, chưa cụ thể.

Theo đại biểu, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để bảo đảm quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của ba bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; trong đó cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động. Do vậy, đề nghị Nhà nước, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành. Do vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Hành lang pháp lý đủ mạnh, bảo đảm hài hòa lợi ích

Nhiều đại biểu cho ý kiến về phát triển quỹ đất. Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tiễn thời gian qua, mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo quỹ đất; hoạt động còn mang tính cục bộ; các cơ chế tài chính cho hoạt động còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí tổ chức đấu giá, đấu thầu; thiếu sự hỗ trợ, tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất… Do đó, đại biểu đề nghị tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt, có cơ chế huy động, hỗ trợ nguồn vốn như trình tự, thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả; đồng thời, nên ban hành quy định phương thức thực hiện dự án phát triển quỹ đất.

Nhấn mạnh thực tiễn quản lý sử dụng đất thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, một trong những vấn đề khó xác định trong chế độ quản lý, sử dụng đất đa mục đích là xác định nghĩa vụ tài chính đất đai của người sử dụng đất, nhất là trường hợp sử dụng đất hỗn hợp; vì thế đề nghị nghiên cứu để bổ sung nguyên tắc, khuyến khích người sử dụng đất đa mục đích bằng cách ưu đãi về nghĩa vụ tài chính đất đai đối với mục đích sử dụng thứ hai, thứ ba của thửa đất để tăng hiệu quả sử dụng đất trong những trường hợp sử dụng phù hợp quy hoạch.

Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đề nghị bổ sung thêm trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt được 80% về diện tích điều này phù hợp Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sau khi Nhà nước thu hồi đất thì cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp; đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch.

Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (Bắc Giang)

Chung quanh vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có đời sống gắn liền với sản xuất nông, lâm nghiệp. Đất đai là sinh kế chính, quan trọng nhất, chi phối mạnh nhất tới cuộc sống của đồng bào. Theo số liệu của Chính phủ, hơn 696.000 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất, chiếm hơn 20% tổng số hộ gia đình dân tộc thiểu số. Chỉ ra trong 245 điều của dự thảo Luật, có 6 điều quy định trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chưa có những quy định riêng mang tính đột phá để giải quyết dứt điểm những hạn chế, khó khăn về đất đai cho đồng bào, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét quy định một chế định riêng trong dự thảo Luật để bảo đảm quyền tiếp cận về đất đai cho đồng bào. Chế định này bao gồm quy định trách nhiệm bảo đảm đất đai, việc tạo quỹ đất để hỗ trợ đất cho đồng bào; ấn định cụ thể lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) và một số đại biểu đề cập về thủ tục hành chính về đất đai; nhấn mạnh đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Theo đại biểu, các thủ tục hành chính về đất đai có sự kết nối với nhiều thủ tục hành chính khác, đặc biệt là trong việc giải quyết những vấn đề về đầu tư, về các tài sản gắn liền với đất. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai; đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo các đạo luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở để hạn chế các vướng mắc, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng là cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn môi trường sống của người dân nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho người dân. Chia sẻ lợi ích không chỉ là việc hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại mà còn bao gồm rất nhiều các công cụ khác. “Chẳng hạn như việc chia sẻ lâu dài nguồn lợi thu được từ các dự án; áp dụng giá điện ưu đãi; trả tiền cho các dịch vụ về môi trường và sinh thái; xây dựng các quỹ phát triển cộng đồng…”; đại biểu cũng nêu quan điểm các biện pháp nhằm cải thiện thu nhập, môi trường sống của những người dân bị ảnh hưởng như thực hiện các dự án y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi công ăn, việc làm… và cơ chế này đã được thực hiện có hiệu quả ở rất nhiều quốc gia…

Khâu quản lý, quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động đang còn bất cập, đề nghị cần bảo đảm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của công nhân, người lao động. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.

Đại biểu NGUYỄN HỮU THÔNG (Bình Thuận)

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và mọi người dân. Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm.