Đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết: Tiền Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh như: lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên quy mô hộ gia đình, với đặc trưng là đất hẹp, người đông, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Thống kê cho thấy, bình quân diện tích đất nông nghiệp ở Tiền Giang 0,57 ha/hộ (bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,41 ha/hộ). Trong đó, 16,63% số hộ có diện tích dưới 0,2ha; 28,39% số hộ có diện tích canh tác 0,2 đến dưới 0,5ha; 43,74% số hộ có diện tích từ 0,5ha đến dưới 2ha và 11,22% số hộ có diện tích từ 2ha trở lên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tập trung, tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn. Tại tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng: Hiện nay, cái khó của nông dân tỉnh Bến Tre là sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún. Trung bình mỗi nông dân chỉ có khoảng 5.000m2 đất sản xuất nên rất khó cơ giới hóa, tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Phạm Văn Nhựt (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có 3,5ha đất nhưng có đến 5 thửa đất mà không thể nào dồn thành một thửa để tập trung cơ giới hóa, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật. Vì vậy, mỗi mùa vụ gia đình phải vận chuyển máy móc hết thửa này đến thửa khác để làm đất, xuống giống, thu hoạch, vận chuyển lúa về đến nhà..., tốn rất nhiều công sức và chi phí”.
Ông Nguyễn Văn Minh (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình ông có 0,8ha sản xuất lúa. Vào mùa sản xuất, gia đình phải tìm đến các đại lý để mua giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và tự thuê máy móc để cày, xới, thu hoạch, vận chuyển lúa. Việc tự sản xuất đã tăng chi phí lên rất cao và phụ thuộc rất nhiều vào các khâu trung gian. Mới đây, ông tham gia hợp tác xã để được cung ứng giống, phân, thuốc với giá sỉ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Từ đó, lợi nhuận làm ra hạt lúa trong mô hình này cao hơn 10-20% so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Cũng như nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp được biết đến là nơi có những cánh đồng lúa ngút ngàn “cò bay thẳng cánh”. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đồng ruộng ngày một manh mún. Nhiều chủ ruộng từng có diện tích lúa từ 2ha trở lên, nay đã lần lượt chuyển quyền sử dụng đất cho người thân hoặc hàng xóm. Nhiều gia đình chia đất cho con, cháu làm “của hồi môn”. Không ít trường hợp, sau khi được “chia đất”, diện tích cũng chỉ chưa đến một công ruộng (1.000m2). Đến nay, tính bình quân, mỗi hộ nông dân trong tỉnh thường chỉ có vài công ruộng và chia thành nhiều thửa, không tập trung.
Đồng ruộng manh mún, nhưng lại cũng không dễ thực hiện tập trung, tích tụ vì tâm lý của nông dân nhiều nơi vẫn muốn giữ đất. Thực tế, quá trình tích tụ ruộng đất của các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu do chưa tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cho thuê đất từ phía người có ruộng, một phần do giá thuê đất ở nhiều nơi còn có độ “vênh”, chưa thống nhất. Dù không còn canh tác nhưng nhiều người vẫn có tâm lý muốn giữ đất ruộng, trông chờ vào việc được đền bù khi có dự án hình thành hoặc đơn giản là để “phòng thân”.
Vướng mắc từ cơ chế, chính sách
Một trong những vướng mắc chung lớn nhất hiện nay trong quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất chính là vấn đề hạn điền. Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Còn theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng là không quá 30ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 20ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Đây chưa phải là diện tích lớn nếu muốn sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cũng về cơ chế, chính sách, nhưng ngoài vướng mắc chung về hạn điền, mỗi địa phương lại gặp những khó khăn riêng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Hiện một số quy định không cho phép xây dựng lều lán, kho bãi trên đất nông nghiệp cũng làm nhiều doanh nghiệp gặp khó nếu muốn tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, từ đó không còn mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.
Đối với tỉnh Nam Định, các phương thức tích tụ ruộng đất chưa phát triển nhiều, diện tích tập trung chưa lớn do vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất khó xác định được giá chuyển nhượng; mức phí và lệ phí phải nộp làm thủ tục, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn cao, làm người dân e ngại. Nhiều diện tích đất công ích của các xã chưa được quy hoạch gọn, còn manh mún, phân tán nên không hấp dẫn người dân đấu thầu để mở rộng quy mô sản xuất. Do nguồn thu ngân sách hạn chế, tỉnh Nam Định cũng chưa có cơ chế riêng để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mà chỉ hỗ trợ được phần nào qua các chương trình lồng ghép với phong trào xây dựng nông thôn mới”.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 138 quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai được thí điểm cho lĩnh vực trồng lúa, trồng cây ăn trái, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, Nghị quyết lại chưa có tác động lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Ngô Thanh Hùng cho biết: Thực tế, số tiền hỗ trợ từ Nghị quyết không được sử dụng nhằm mục đích đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất với quy mô lớn, mà chỉ góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người thuê đất. Hầu hết hộ thuê đất không san phẳng đồng ruộng, phá bỏ bờ đê, tạo vùng sản xuất quy mô lớn, nên không làm thay đổi quy trình canh tác, tập quán sản xuất để nâng cao chất lượng và tạo sức cạnh tranh cho nông sản.
Chính vì vậy, một số địa phương không đồng tình với việc hỗ trợ kinh phí (tiền) trực tiếp như hiện nay mà muốn thay thế bằng hình thức khác để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng chất lượng nông sản, cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn... Bên cạnh đó, quy định điều kiện diện tích được hưởng hỗ trợ là 10ha liền kề nhau đối với lúa và từ 3ha liền kề nhau đối với cây ăn trái là chưa khả thi, nhất là tại các huyện, thành phố phía nam sông Tiền vốn có diện tích bình quân sản xuất lúa, cây ăn trái thấp so với mức bình quân chung của tỉnh.
Đối với tỉnh Hải Dương, đến nay có hơn 50 tổ chức, cá nhân thuê đất để xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô mỗi vùng tối thiểu 5ha trở lên. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: Hình thức tập trung, tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cho thuê quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, cả hai hình thức này đều có hạn chế khiến hiệu quả tập trung, tích tụ chưa cao. Cụ thể, thời gian cho thuê đất của nông dân chủ yếu còn ngắn (3-5 năm) nên người thuê đất không yên tâm đầu tư, nhất là sản xuất lớn, công nghệ cao. Hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại chịu ảnh hưởng của quy định hạn điền và giá chuyển nhượng.
Hiện đối với vùng đất xấu, giá chuyển nhượng từ 15-20 triệu đồng/sào; với đất tốt trồng rau màu, cây ăn quả, thuận lợi giao thông thủy lợi giá từ 50-150 triệu đồng/sào. Chi phí chuyển nhượng khá cao, rất khó để sản xuất nông nghiệp có lãi so với số vốn bỏ ra ban đầu. Một vướng mắc nữa là tỉnh vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nên gây khó khăn cho công tác cho thuê, chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất; các doanh nghiệp cũng không thể vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11/11/2022.
Theo kết quả cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, kết quả xây dựng cánh đồng lớn thời gian qua rất hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu thực hiện trong 5 năm 2016-2020 đều giảm sút. Đến thời điểm 1/7/2020, chỉ có 1.051 xã có cánh đồng lớn, chiếm 12,68% tổng số xã khu vực nông thôn, giảm 31,51 điểm phần trăm so với năm 2016. Số cánh đồng lớn giảm từ 2.262 cánh đồng năm 2016 xuống 1.657 cánh đồng năm 2020; số hộ tham gia cánh đồng lớn giảm từ 619.340 hộ xuống 326.340 hộ; tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn giảm từ 579.250ha xuống 271.000ha. Năm 2020, bình quân một cánh đồng lớn có khoảng 197 hộ tham gia, bằng 71,93% năm 2016; diện tích bình quân một cánh đồng lớn 163,55ha, bằng 63,86% so với năm 2016. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |