Sửa đổi Luật Đất đai: Bảo đảm sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi

NDO - Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng, do vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước phát triển có thu nhập cao.

Quy định rõ về điều kiện thu hồi đất

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.

Đại biểu cho biết, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu đề nghị, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định cụ thể các điều kiện nào là “thật cần thiết” để bảo đảm quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Sửa đổi Luật Đất đai: Bảo đảm sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi ảnh 1

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu trong phiên thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ngoài ra, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Đại biểu đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không.

Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Đồng tình với đại biểu Hoa, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cũng cho rằng, dự thảo Luật vẫn chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp “thật cần thiết” như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Đây là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong thời gian vừa qua.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đồng thời để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp.

Cần có quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất

Tham gia thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và mọi người dân.

Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

Theo đại biểu, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người trong khi lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.

Đại biểu Tám cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần phải giải quyết được vấn đề này, quan trọng là phải làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Theo đó, lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.

Về các trường hợp thu hồi đất, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, phương pháp này giúp cho việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án.

Sửa đổi Luật Đất đai: Bảo đảm sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi ảnh 2

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, đại biểu Tám băn khoăn liệu những quy định theo phương pháp này có bảo đảm bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không, khi mà lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định và vận động theo hướng phát triển, và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là rất rộng và cũng theo hướng phát triển.

Mặt khác, khi nói đến thu hồi đất tức là nói đến là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính, do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng: Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế-xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.

Đại biểu Tám nêu rõ, một quan điểm hết sức đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân là khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Dự thảo Luật đã đưa quan điểm này thành nguyên tắc bồi thường về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 97.

“Khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng, bởi vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là phải bảo đảm kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân. Nếu không đảm bảo được điều này, họ sẽ rơi vào nguy cơ tái đói nghèo. Do đó, dự thảo cần có những quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất” - đại biểu Tám nhấn mạnh.