Yêu cầu giải trình những vấn đề nóng
Phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý các vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp do Thường trực HÐND huyện Gia Lâm thực hiện đầu tháng 4 vừa qua được HÐND thành phố Hà Nội đánh giá là một trong các phiên giải trình đạt kết quả tốt. Với cách làm bài bản, khoa học, rõ nguyên nhân, hạn chế, hướng khắc phục, sau phiên giải trình, kết quả xử lý vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp của huyện đã chuyển biến đáng kể.
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị phiên giải trình, Phó Chủ tịch HÐND huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt cho biết: Thường trực HÐND huyện đã giao các ban HÐND huyện xây dựng phóng sự về tình hình lấn chiếm đất nông nghiệp, trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Ngay tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND chín xã, thị trấn đã báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu HÐND huyện đề cập, nêu rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, lộ trình khắc phục những hạn chế. Sau đó, Thường trực HÐND huyện đã có kết luận về phiên giải trình, chỉ rõ những nguyên nhân do UBND các xã, thị trấn chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng; năng lực, trình độ của một số cán bộ còn hạn chế; lãnh đạo một số xã, thị trấn còn buông lỏng kéo dài trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai... Ðồng thời, nhắc nhở lãnh đạo một số đơn vị vắng mặt không có lý do... Kết luận cũng nêu rõ những việc UBND huyện và các xã, thị trấn cần làm trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thời gian qua, Thường trực HÐND thành phố và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều lựa chọn những vấn đề cấp bách, bức xúc, nổi cộm tại địa phương cũng như tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri quan tâm để tổ chức các phiên giải trình. Ðến nay, Thường trực HÐND thành phố Hà Nội đã tổ chức ba phiên giải trình về việc thu gom xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành Hà Nội; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Và gần đây nhất là phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai trên địa bàn thành phố. Các phiên giải trình được tổ chức đúng luật, chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm, được phát thanh, truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 30 quận, huyện, thị xã với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu. Ðáng lưu ý, tại các phiên giải trình, các đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở liên quan đến lĩnh vực phụ trách, yêu cầu rõ lộ trình khắc phục, được cử tri ghi nhận.
Cùng với đó, Thường trực HÐND 16 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 31 phiên giải trình. Nội dung giải trình các địa phương lựa chọn đều là những vấn đề nóng trên địa bàn như quản lý đất đai, trật tự đô thị; quản lý vỉa hè, lòng đường; công tác giải phóng mặt bằng… Trong đó, Thường trực HÐND quận Ðống Ða tổ chức phiên giải trình về lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị; Thường trực HÐND quận Ba Ðình tổ chức phiên giải trình về công tác duy trì trật tự đô thị trên bốn tuyến phố văn minh đô thị; Thường trực HÐND huyện Phúc Thọ tổ chức thành công phiên giải trình về công tác thu gom rác, bảo đảm vệ sinh môi trường. Những nội dung được lựa chọn giải trình góp phần tháo gỡ khó khăn trong quản lý của chính quyền các cấp; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Tăng tính hiệu quả từ các phiên giải trình
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, có được thành công của phiên giải trình là nhờ lãnh đạo thành phố quan tâm điều hành, chỉ đạo; các quận, huyện, xã, phường hợp tác, xác định rõ trách nhiệm, có lộ trình giải quyết, khắc phục. Sau phiên giải trình, việc giám sát cũng rất quan trọng. Hiện nay, Ban Văn hóa - Xã hội đang giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận của phiên giải trình. Bước đầu cho thấy ý thức thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người dân thành phố đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi để nhân dân, cử tri biết hiệu quả từ thực hiện các phiên giải trình của Thường trực HÐND. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HÐND huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho rằng, các phiên giải trình được Thường trực HÐND thành phố và Thường trực HÐND các quận, huyện, thị xã được truyền hình, truyền thanh trực tiếp giúp cử tri tăng cường giám sát cơ quan quản lý nhà nước.
Giải trình là một hình thức giám sát của Thường trực HÐND đã được quy định theo khoản 4, Ðiều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, lần đầu được tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2021. Việc tổ chức các phiên giải trình giữa hai kỳ họp là một nội dung mới nhưng đã được HÐND các cấp trên địa bàn Thủ đô thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện chủ đề công tác năm 2018 là "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 11 quận, huyện của Hà Nội chưa thực hiện nội dung này. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giải trình trong năm 2018 để không chỉ làm rõ trách nhiệm mà quan trọng hơn là nhằm tìm kiếm giải pháp, kiến nghị đề xuất hoặc ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng niềm tin của cử tri, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của HÐND các cấp.