Nâng cao chất lượng giáo viên để đổi mới giáo dục

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định phát triển, xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ là tiền đề tiên quyết để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ðây là động lực quan trọng góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Trao thưởng cho các học sinh đoạt giải cuộc thi vẽ "Sắc màu" do Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh khối lớp 10.
Trao thưởng cho các học sinh đoạt giải cuộc thi vẽ "Sắc màu" do Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh khối lớp 10.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, quận 1 đã chủ động kết hợp Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục để được tiếp cận và thực nghiệm sách giáo khoa mới, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học... Nhờ đó, giáo viên được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, an tâm khi giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho biết: Ðể bồi dưỡng, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn của bộ, ngành. Ðặc biệt, nhà trường tổ chức nhiều buổi tập huấn thiết thực cho việc phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên như: Tập huấn về công tác chủ nhiệm, về phương pháp dạy học tích cực; nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục giá trị sống; chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến... Qua đó, giáo viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm, được truyền cảm hứng và phát triển năng lực để có thể tích cực đổi mới giảng dạy và giáo dục.

Xác định phát triển đội ngũ giáo viên với cơ cấu hợp lý, có chất lượng sẽ là động lực quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì thường xuyên tổ chức nhiều chuyên đề về phương pháp dạy học tích cực, các kỹ năng, kỹ thuật dạy học, kỹ năng vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học đáp ứng việc chuyển đổi số trong giáo dục. Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì Mai Thị Kim Phượng chia sẻ: Trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm làm công cụ hỗ trợ dạy và học. Trường tạo điều kiện cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên tham gia và tích cực hoàn thành tốt học tập, bồi dưỡng các module chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với gia đình-nhà trường-xã hội cho học sinh…

Trong những năm qua, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho giáo dục, nhờ vậy đã không ngừng phát triển toàn diện cả về quy mô, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy. Hiện, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học được phủ khắp 322 phường, xã, 21 quận, huyện và thành phố Thủ Ðức với quy mô ngày một tăng, đáp ứng cơ bản trường lớp cho học sinh học tập. Ðội ngũ nhà giáo được xây dựng bảo đảm về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học ngày một cao hơn. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: Những năm qua, thành phố giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học và bậc học, phát triển hệ thống giáo dục đa dạng, xây dựng xã hội học tập. Hằng năm, thành phố xây thêm nhiều trường học, phòng học mới, ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy-học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh. Thành phố cũng tạo điều kiện triển khai nhiều chế độ, chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giáo viên cho ngành, triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình có tính đột phá, làm tiền đề nhân rộng cho cả nước. Ðặc biệt, thành phố đã tiên phong thực hiện các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục Việt Nam được định hình theo một số hướng đi cụ thể như: Gắn việc dạy và học với thực tiễn, đa dạng hóa các lộ trình giáo dục, khuyến khích học tập suốt đời, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý, nâng cao năng lực và mở rộng vai trò của các trường đại học. Trên cơ sở này, ngành giáo dục thành phố tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo viên, củng cố mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số; chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh cho người dạy và người học thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025; tạo lập môi trường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, nghề nghiệp; thu hút học sinh, sinh viên quốc tế và giáo viên, giảng viên quốc tế học tập, giảng dạy; đồng thời, tăng cường các chương trình giáo dục, đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh...