Triển khai giải pháp giữ ổn định đời sống, sản xuất trong và sau bão số 3 ở Nam Định

NDO - Ngay từ khi có tin về cơn bão số 3, các sở, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã triển khai nhiệm vụ thuộc thẩm quyền nhằm bảo đảm giữ ổn định sản xuất, đời sống của người dân trong và sau bão.
Các kỹ sư Trung tâm điều khiển xa thuộc Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Nam Định trực ứng phó với bão số 3.
Các kỹ sư Trung tâm điều khiển xa thuộc Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Nam Định trực ứng phó với bão số 3.

Để bảo đảm thông tin về cơn bão kịp thời đến được với người dân, tránh xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định đã chủ động ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc ngành quản lý, yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp thiết thực.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định Phạm Xuân Mai cho biết: Sở yêu cầu các phòng văn hóa và thông tin, Đài Phát thanh các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão để thông báo kịp thời đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó bão, mưa lũ, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra; chú trọng việc bảo đảm an toàn, duy trì thông tin liên lạc chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp, sở, ban, ngành về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Được biết, VNPT Nam Định đã nhanh chóng hạ tải 12 cột anten; phối hợp Mobifone hạ 21 cột có nguy cơ cao; căng chỉnh các trạm dây bị chùng võng; Viettel Nam Định tổ chức rà soát tuyến truyền dẫn, hạ tầng, trong đó kiểm tra củng cố 26 tuyến xung yếu, hạ tải cột quá tải trọng, hoàn thành siết khóa cáp 489/489 trạm (100%).

Hiện, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông vẫn đang tiếp tục rà soát, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Nam Định và đơn vị chủ quản về công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Chánh văn phòng Công ty Điện lực Nam Định Trần Thanh Tùng cho biết: Ngay từ khi có tin bão số 3, Công ty Điện lực Nam Định đã bám sát chỉ đạo của tỉnh và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, chủ động thực hiện đồng bộ các phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống bão.

Công ty đã tăng cường tần suất kiểm tra định kỳ, rà soát các trạm biến áp, các vị trí cột trên các tuyến đường dây có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão, chủ động lập phương án, các giải pháp gia cố, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết nhằm bảo đảm vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huy động nhân lực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng triển khai khắc phục thiệt hại, sự cố, kịp thời khôi phục cấp lại điện cho khách hàng; chuẩn bị vật tư, phương tiện, thiết bị dự phòng sẵn sàng ứng phó cho các giai đoạn tiếp theo.

Đáng chú ý, công ty đã chuẩn bị và từng bước triển khai phương án bảo đảm cấp điện cho các phụ tải quan trọng, cho hoạt động của hệ thống bơm tiêu úng nước vùng trồng lúa và hoa màu (hơn 70 nghìn ha đất trồng lúa và hoa màu; lúa đang trong thời kỳ phát triển, ra đòng).

Hiện nay, toàn bộ hệ thống trạm bơm đều đang đồng loạt vận hành bơm tiêu nước đệm, gồm 6 trạm bơm lớn thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý vận hành và 28 trạm bơm công suất vừa, 1.091 trạm bơm dã chiến thuộc các Công ty khai thác công trình thủy lợi các huyện, các xã.

Công ty Điện lực Nam Định cũng chủ động phương án, kịch bản sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống sự cố do cơn bão số 3; triển khai công tác ứng trực từ 17 giờ ngày 6/9/2024 và sẽ căn cứ theo tình hình diễn biến cụ thể của bão để có phương án hữu hiệu nhất.

Hiện nay, Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân viên và an toàn điện trong nhân dân trước và trong khi bão đổ bộ; khuyến cáo mọi người dân lưu ý bảo đảm an toàn điện trong điều kiện mưa bão, ngập lụt do bão.

Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trước, sau cơn bão số 3, Sở Công thương Nam Định đã có công văn chỉ đạo triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu (gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu...) đã tăng nguồn hàng dự trữ tại các kho, đại lý, cửa hàng bán lẻ tại các trung tâm huyện, xã, phường, thị trấn (khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 10-15 ngày sử dụng), sẵn sàng đưa ra cung ứng khi có yêu cầu.

Sở Công thương Nam Định cũng chuẩn bị phương án thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp; tổ chức điều hành luân chuyển hàng hóa giữa các huyện trong tỉnh và các địa phương lân cận để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Hiện tại lực lượng Quản lý thị trường cũng tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.