Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành Công điện 23/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 vào chiều 3/9. Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Rà soát, chủ động có kế hoạch sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị, khu công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng...
Để chuẩn bị và chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do bão số 3, tỉnh Nam Định cũng đã thành lập đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển và các trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai.
Nam Định tiếp tục nêu cao tinh thần “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”
Trong ngày 4/9, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra thực địa tại các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê biển tại các huyện Giao Thủy và Hải Hậu.
Sau khi kiểm tra, đánh giá, đồng chí Trần Anh Dũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến bão số 3 theo nhiệm vụ được phân công.
Tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống.
Chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo thống kê, tỉnh Nam Định hiện có 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 4/9, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị, địa phương và đang trên đường vào bờ.
Tại các bến, bãi, cảng cá neo đậu tàu, thuyền của tỉnh hiện có 1.797 phương tiện với 5.533 ngư dân vào neo đậu, tránh trú.
Toàn tỉnh có 535km đê, trong đó có hơn 279km đê sông, hơn 39km đê cửa sông, hơn 75km đê biển; trên các tuyến đê biển của tỉnh không có công trình đang thi công.
Nam Định cũng có tổng diện tích lúa mùa 71,2 nghìn ha, trong đó có 13% diện tích lúa đã trỗ; diện tích nuôi thủy sản là 14.625ha.
Hiện các cấp, ngành, các địa phương đang tiếp tục tập trung rà soát hiện trạng toàn bộ hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ 38 trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Các khu vực vùng bối, bãi tổ chức rà soát phương án sơ tán dân theo quy định nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.