Nam Định tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Tỉnh Nam Định xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Quang Trung, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) ra quân tuyên truyền về chuyển đổi số.
Xã Quang Trung, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) ra quân tuyên truyền về chuyển đổi số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế cho biết: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ba năm gần đây, tỉnh Nam Định luôn đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của tỉnh tiếp tục đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Hiện, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Tỉnh Nam Định giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan, “chủ công” là Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trên địa bàn. Đến nay, gần 22 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khoảng 14 nghìn người dân tại 70 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn, trang bị kiến thức chuyển đổi số.

Cùng với đó, thông tin, văn bản, tài liệu về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh thường xuyên được cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, chuyên trang của tỉnh về chuyển đổi số và kênh OAZalo của Cổng Cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống đài phát thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã cũng được huy động vào cuộc, thông tin, tuyên truyền đến từng thôn, xóm, góp phần tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo Thượng tá Ngô Minh Mai, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Nam Định), qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, tỉnh Nam Định là một trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến; là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về việc hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử; đứng thứ 2 toàn quốc về đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Nam Định cũng là đơn vị đầu tiên chỉ đạo lực lượng công an ký kết kế hoạch phối hợp với ngành bưu điện để huy động 100% điểm bưu điện văn hóa xã trang bị máy tính có kết nối internet, máy in và nhân viên triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; là 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 2 nhóm dịch vụ công liên thông… Có được kết quả này, công tác tuyên truyền góp phần rất quan trọng.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Vũ Trọng Quế, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc; thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Tỉnh ưu tiên chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị lớn, có hiệu quả ngay cho xã hội; trong đó ưu tiên xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Trên cơ sở đó tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; chuyển đổi mạng internet của tỉnh sang giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); cập nhật dữ liệu của tỉnh lên các nền tảng dữ liệu số quốc gia phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; dành nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng số và các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dùng chung, trang thiết bị công nghệ thông tin...

Đến nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai hiệu quả đến cấp xã; 100% cơ quan nhà nước của tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã đã được cấp thư điện tử công vụ để phục vụ việc trao đổi thông tin trong giải quyết công việc. Các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước 3 cấp của tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm Quản lý văn bản, điều hành và được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong điều hành, giải quyết công việc; hơn 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh.

Nam Định là tỉnh thuộc nhóm tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức: Tháng 5/2023, toàn bộ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định được đồng bộ thành công vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh đã kết nối với 100% hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai đến 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Nam Định; đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp, kết nối liên thông với nền tảng thanh toán trực tuyến Payment Platform; kết nối, chia sẻ với gần 30 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương, góp phần đồng bộ, liên thông hồ sơ, tái sử dụng kết quả... trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.