Nam Định dồn sức tạo động lực tăng trưởng

Với khát vọng xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt khó để tiếp tục có những thành tựu mới.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Nam Định ngày càng đổi mới.
Thành phố Nam Định ngày càng đổi mới.

Theo đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, với tinh thần “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”, cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân vào cuộc, do đó công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc; tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022. Chất lượng quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Nam Định luôn thuộc top dẫn đầu toàn quốc; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.

Nam Định dồn sức tạo động lực tăng trưởng ảnh 1

Cán bộ xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định) hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa.

Về phát triển kinh tế, Nam Định cũng “ghi điểm” với tốc độ tăng trưởng GRDP tăng cao so với bình quân chung của cả nước; 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm GRDP tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 11 toàn quốc và đứng thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Nam Định cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; toàn tỉnh hiện có 39/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án về giao thông, các khu, cụm công nghiệp.

Đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định từ ngày 30/6/2024; đưa vào sử dụng cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ (là cụm công trình thủy lớn nhất Việt Nam); đang xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần; đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; xây dựng cầu mới qua sông Đào; cầu sông Đáy kết nối cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thái Bình để hoàn thiện các thủ tục khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng.

Tỉnh cũng đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; Mỹ Thuận; triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp, như: Khu công nghiệp Hải Long (huyện Giao Thủy), Khu công nghiệp Nam Hồng (huyện Nam Trực), Khu công nghiệp Minh Châu (huyện Nghĩa Hưng); Khu công nghiệp Xuân Kiên (huyện Xuân Trường), Khu công nghiệp Hồng Tiến (huyện Ý Yên)...

Với những việc “khó” như giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng đã nỗ lực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án tuyến đường dây 500KV mạch 3 trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); cơ bản bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển; cầu qua sông Đào; đường trục phía nam thành phố Nam Định…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cũng cho biết: Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Do đó, tỉnh Nam Định sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như: Phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh du lịch; phát triển kinh tế đô thị và tăng cường phát triển kinh tế biển và ven biển. Đồng thời, tập trung vào các nền tảng phát triển như: nguồn nhân lực và văn hóa, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng và đổi mới và hoàn thiện thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Riêng năm 2024, Nam Định xác định là năm “tăng tốc, bứt phá” thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cùng với quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới xây dựng nông thôn Nam Định hiện đại, văn minh, “nơi đáng sống”.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân; tuyên truyền cho nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ, đồng thuận với chủ trương của tỉnh trong triển khai các dự án trọng điểm, trong đó có việc thu hồi đất tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng), tạo động lực cho sự phát triển cho tỉnh.