Chẳng biết tự bao giờ, câu ca ấy như được mặc định cho thời gian vào mùa thu hoạch loại sản vật đặc biệt của vùng duyên hải Bắc Bộ - mùa rươi. Mùa rươi bắt đầu từ trung tuần tháng 9 âm lịch và kéo dài không quá dăm tuần. Khi đó, bà con các vùng Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh… rộn ràng cho mùa vớt rươi. Theo kinh nghiệm dân gian, ngày xưa, rươi nổi theo con nước tự nhiên, phụ thuộc tiết trời khi mưa khi nắng, thoắt nóng, thoắt lạnh, cho nên không phải lúc nào cũng có. Người thưởng thức món rươi cũng không phải muốn mua là mua được. Lại thêm không có phương tiện trữ được lâu ngày, nên rươi đã hiếm lại càng trở nên khó kiếm với người có nhu cầu thưởng thức. Mùa rươi chỉ có ít ngày, ai lỡ nghiện rồi thì phải tranh thủ, tranh thủ để được lắng nghe cả những tiếng rao… Bây giờ, nuôi rươi là nghề mang lại thu nhập khá cho nông dân một số vùng. Công nghệ và điều kiện hiện đại giúp người nội trợ có thể trữ rươi quanh năm. Các món ngon từ rươi được người nội trợ mỗi vùng, miền chế biến và sáng tạo theo những công thức, gia giảm khác nhau. Với người Hà Nội, rươi vẫn luôn là đặc sản với cách chế biến riêng có. Mớ rươi sắc mầu, tươi rói, qua bàn tay khéo léo, và gu thưởng thức tinh tế sẽ cho những món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực Hà thành. Nào chả rươi, mắm rươi, rươi xào củ niễng, rươi đúc trứng… Và có lẽ, mắm rươi là món ăn mang nét đặc sắc ẩm thực Hà Nội hơn cả.
Trong "Món ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, nhà văn gốc Hà Nội đã dành một chương viết về rươi. Rươi được nhà văn miêu tả như một thứ nguyên liệu quý để làm ra những món ăn đặc sắc, món nào cũng thơm, ngon. Qua cảm nhận và khả năng truyền cảm xúc của nhà văn, người đọc cảm giác không thể không nếm thử một lần trong đời. Với ông, món nào từ rươi cũng đều kích thích vị giác mạnh mẽ, "Nhưng mà thú hơn một bực là mắm rươi". Ngày xưa, các bà, các mẹ luôn trổ tài đảm đang bếp núc bằng việc tự làm những lọ mắm rươi. Ở đó, sự tinh tế, cầu kỳ thể hiện trong từng công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu tươi, sơ chế sao cho rươi hết nhớt mà không vỡ nát, đến tra thính, gia giảm thế nào cho vừa vị, rồi ủ sao cho đủ ngấu… Người Hà Nội thưởng thức món mắm rươi cũng đến là cầu kỳ, thôi thì "trăm thứ bà giằn", được cắt khúc, tỉa lá, thái chỉ, sắp đặt sao cho khi ngắm thì bắt mắt, khi ăn thì đằm vị. Bắt mắt ở chút mầu đỏ của lát ớt tươi, vàng cam của vỏ quýt, vàng nhạt của gừng thái chỉ, trắng của tỏi, xanh của rau cần, cải cúc, thơm láng, rau mùi, hành hoa… khi ăn kèm chút lạc rang giã dập, cho vị giác cảm nhận được vị cay, hăng, thơm, bùi, ngậy… Nói như nhà văn Vũ Bằng, ăn như thế mà lại gia thêm thịt luộc ba chỉ, không thể nói là ngon được mà là "cứ tỉnh cả người ra".
Nom nắng ngoài kia hanh hao, bỗng lại muốn nghe tiếng rao lảnh lót. Một chút vị thôi cũng đủ để nhớ mùa thu Hà Nội với những khoảnh khắc giao mùa…