Một giáo trình tiếng Việt độc đáo

Quận ủy Quận 11 ban hành Kế hoạch báo cáo chuyên đề "Di chúc của Bác Hồ-một giáo trình tiếng Việt độc đáo", nhằm tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc hơn nữa về những nội dung, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Các cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương tại Đảng bộ Quận 11.
Các cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương tại Đảng bộ Quận 11.

Quận ủy Quận 11 xác định "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu về công tác tư tưởng. Thực tế, địa phương này luôn có nhiều cá nhân, tập thể điển hình học và làm theo Bác từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhưng lại rất đáng tuyên dương và nhân rộng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 11 Nguyễn Tăng Minh, Ban Thường vụ Quận ủy đã nhất quán chỉ đạo, định hướng các tổ chức chính trị-xã hội, các chi bộ, đảng bộ cơ sở tổ chức sinh hoạt, học tập thực hiện nội dung kể chuyện về Bác gắn với chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Ngay từ đầu, cấp ủy các cấp đã nghiêm túc trong việc sinh hoạt, kể chuyện về Bác; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các buổi chào cờ, các nơi trang trọng của từng cơ quan, đơn vị.

Qua triển khai các phong trào thi đua, quận đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, có nhiều mô hình mang đầy ý nghĩa thiết thực đầy tính nhân văn như: "Vận động các tổ chức, mạnh thường quân nhận chăm lo, bảo trợ đỡ đầu cho trẻ bị mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19", "Mỗi tổ chức, cá nhân giúp một hộ nghèo, hộ cận nghèo", "Hỗ trợ tư vấn cho công nhân, người lao động". Trong lĩnh vực văn hóa công vụ, có các mô hình "Hỏi đi, Tôi trả lời", "5 phải-3 không" nhằm thực hiện Quy chế dân chủ, công khai minh bạch trong quản lý đơn vị và phục vụ nhân dân. Ngoài ra, còn có các mô hình: Trạm tin "Thân thiện - Hiện đại", Tổ dân phố văn minh "5 không", Đội tình nguyện xử lý rác ngoài giờ, Tổ tư vấn "Hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp".

Theo Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 11 Đỗ Thanh Bình, đơn vị đã xây dựng và giới thiệu video clip "Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên Bản tin Quận 11, trang tin Zalo, Facebook "Hoa Sen Quận 11" và các trang tin cơ sở. Qua đó, có 42 tin, bài, 10.156 lượt tương tác, hơn 11.639 lượt người tiếp cận (tăng thêm 450 lượt thích trang).

Điểm nổi bật đó là Ban Tuyên giáo đã xây dựng và triển khai "Thư viện sách nói" bằng song ngữ Việt - Hoa (Quảng Đông) nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các giới, các tầng lớp nhân dân về giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đối với những người khiếm thị, người không có điều kiện tiếp cận sách báo, tạp chí về Bác.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 11 cũng đã tập trung thực hiện chương trình "Giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2021-2025. Đến tháng 12/2022 chương trình giảm nghèo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, toàn quận giảm 452 hộ nghèo (vượt 0,22% so với kế hoạch), giảm 345 hộ cận nghèo (vượt 0,11% so với kế hoạch), tính đến nay toàn quận còn lại 411 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số hộ dân và 638 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,08% tổng số hộ dân.

Theo đồng chí Nguyễn Tăng Minh, Quận ủy Quận 11 còn ban hành Kế hoạch số 79-KH/QU; Kế hoạch số 80-KH/QU báo cáo chuyên đề "Di chúc của Bác Hồ-một giáo trình tiếng Việt độc đáo", nhằm tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc hơn nữa về những nội dung, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bởi di chúc chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc và cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục và nhà văn hóa lỗi lạc.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 9 Trần Thị Hạnh học Bác từ những việc bình thường nhất. Nhiều năm liền, bà đến tận nhà phát thức ăn cho người cao tuổi (từ 50-100 suất/lần, mỗi tháng hai lần); phối hợp hội viên may chăn bông (từ vải vụn) cho người cao tuổi neo đơn, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 11 Cao Hoàng Khương tổ chức sản phẩm du lịch "Quận 11-có một Chợ Lớn rất khác" nhằm giới thiệu điểm đến: Chùa Khánh Vân Nam Viện, Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường, Chợ Thiếc, Con đường sủi cảo Hà Tôn Quyền...

Để tưởng nhớ đồng đội, đồng bào ra đi và những hy sinh mất mát, đồng chí Khương tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 11 xây dựng, phát hành bộ sách ảnh "Nhật ký Quận 11 đi qua đại dịch Covid-19" (600 quyển sách, 1 bản điện tử thông qua mã QR, 1 video clip giới thiệu), phát hành video clip giới thiệu về bộ sách ảnh trên nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook, Zalo,...).

Đại đức Thích Nguyên Phước (Trụ trì Tịnh thất Vạn Đức) với quan niệm "Sống để lan tỏa yêu thương-nhận về hạnh phúc" nhiều năm qua đã vận động chăm lo cho người nghèo với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng.

Bằng uy tín, sự tận tâm, nhiệt tình, Đại đức đã lập một ban thờ Di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều quyển sách của Người với mong muốn các phật tử khi đến tịnh thất có thể đọc, tìm hiểu về Bác, thực hiện sống thiện hành thiện, lan tỏa yêu thương, còn rất nhiều tấm gương và hành động thiết thực khác như: Chi hội trưởng Phụ nữ Khu phố 4 (Phường 5) Lê Thị Ngọc Huệ với mô hình "Cho đi là còn mãi" đã trao tặng 100 ổ bánh mì và quần áo cũ/tuần đến những người có hoàn cảnh khó khăn; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 7 Nguyễn Hữu Ngọc đã vận động hội viên xây tặng một nhà tình nghĩa trị giá 180 triệu đồng cho đồng đội...