Ngày 7/10, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10 về lấy ý kiến, thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Nguyễn Lâm Thành, Trần Thị Hoa Ry, Quàng Văn Hương, Đinh Thị Phương Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo một số đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên tinh thần khoa học, trách nhiệm, cầu thị. Thứ trưởng đánh giá đây là luật mới, khó, tác động rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn, là luật đối tượng không phải luật lĩnh vực…, chính vì thế, trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là ý kiến từ 4 “nhà”: Nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà đào tạo - các cơ sở đào tạo giáo viên, nhà sử dụng - các sở giáo dục và đào tạo, trường học.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Phiên họp |
Thứ trưởng cho biết, Dự thảo Luật Nhà giáo được khẩn trương hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến tại Phiên họp lần thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Xây dựng Luật Nhà giáo không phải mục đích ban hành thêm những điều khoản, quy định để quản lý nhà giáo mà để phát triển đội ngũ nhà giáo; cố gắng tạo môi trường làm việc thu hút được những người có năng lực, phẩm chất, phát huy được tâm huyết, trí tuệ tài năng của nhà giáo.
Luật Nhà giáo mong muốn phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải ban hành thêm những điều khoản để quản lý nhà giáo; cố gắng tạo môi trường làm việc thu hút được người tài, người tâm huyết vào ngành giáo dục và giữ chân được nhà giáo.
Dự thảo Luật cũng đặc biệt quan tâm tới đội ngũ nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội rút ngắn khoảng cách giáo dục.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã trao đổi, đóng góp các ý kiến tâm huyết về nội dung, kỹ thuật lập pháp cho các vấn đề chung cũng như từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Nhà giáo. Các thành viên Hội đồng mong muốn ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo để khi Luật ra đời sẽ khắc phục hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng chế độ, chính sách cho nhà giáo, đồng thời tạo sự đột phá về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, các ý kiến của thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cơ bản đồng tình với 5 nhóm chính sách trong dự thảo Luật; riêng nhóm đặc thù với nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thành viên vẫn mong muốn ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để nâng cao tính khả thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 và trình xin ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.