Ngày 3/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế… tham dự.
Theo thống kê, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước, là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên.
Tuy nhiên, hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan.
Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác.
Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.
Quang cảnh Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. |
Ngày 7/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật. Trong đó, thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Giáo dục năm 2019 quy định “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh”.
Đây là quy định phù hợp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và phát huy.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vai trò của giảng viên với khá nhiều những điểm không phù hợp đã dẫn đến kết quả quy định trên chỉ dừng lại là một “khẩu hiệu”. Nhà giáo nói chung, giảng viên nói riêng chưa thật sự tạo niềm tin cho xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ sự thiếu rõ ràng và thiếu nhất quán trong các quy định của pháp luật.
Đề cập đến sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thanh tra-Pháp chế, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các văn bản pháp luật còn tản mạn, chưa có tính hệ thống và thậm chí còn chồng chéo nhau.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm. |
Trong bối cảnh phát huy quyền tự chủ giáo dục với nhiều áp lực đối với nhà giáo cần đặt ra yêu cầu phải có một luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo. “Xã hội đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh, nhưng quyền và phúc lợi nhà giáo được hưởng chưa tương xứng”, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các chuyên cũng cho rằng, việc xây dựng một đạo luật để tập hợp các quy định trong những văn bản pháp luật trở nên thống nhất và dễ áp dụng là điều cần thiết.
Luật Nhà giáo được ban hành sẽ tạo tính liên thông và nhất quán trong giải thích và áp dụng pháp luật về nhà giáo, sẽ thống nhất được cách định danh nhà giáo, loại bỏ sự nhập nhằng, tùy tiện, tự xưng, tự phong…
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo không phải đưa ra những quy định về quản lý nhà giáo mà để phát triển đội ngũ nhà giáo, làm sao thu hút được những người có năng lực, phẩm chất, phát huy được tâm huyết, trí tuệ tài năng của nhà giáo.