Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Sở Công thương Hà Nội vừa khai trương thêm ba điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm OCOP lên 67 điểm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện một số điểm chưa thật sự thu hút được người tiêu dùng, đòi hỏi những giải pháp hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Huyện Phú Xuyên được mệnh danh là "đất trăm nghề", trong đó có 43 làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Bên cạnh đó, huyện còn hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh sản xuất, chăn nuôi các sản phẩm an toàn, chất lượng, có thương hiệu như nhãn hiệu tập thể rau cần Khai Thái, măng tây xã Hồng Thái, bưởi xã Bạch Hạ... Trên cơ sở đó, huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ xây dựng, phát triển 135 sản phẩm OCOP của 38 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được đánh giá, phân hạng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo thương hiệu cho sản phẩm, nhất là những sản phẩm của các làng nghề truyền thống như đồ gỗ, da giày, hàng may mặc...

Mới đây, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lợi (thôn Thanh Sơn, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên) đã được khai trương, trưng bày và bán chín sản phẩm OCOP 4 sao của đơn vị. Ðây là điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thứ hai được Sở Công thương và huyện Phú Xuyên khai trương trong năm 2022, nâng tổng số điểm trên địa bàn huyện lên năm điểm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân chia sẻ: "Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là địa chỉ tin cậy quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên đến các đối tác, khách du lịch".

Theo Sở Công thương, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã phát triển thêm được 17 điểm tại chín quận, huyện, đưa mạng lưới các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố là 67 điểm. Mạng lưới này đã góp phần kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ người tiêu dùng, khách du lịch, để nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu thụ, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, lượng khách tới tham quan, mua sắm khá thưa vắng, thí dụ như tại đ iểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa chỉ 183 đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, lượng khách tới cửa hàng hằng ngày khá vắng. Bên cạnh đó, tại một số điểm, số lượng sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu chỉ lác đác, không thật sự nổi bật và tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Các chủ thể sản phẩm OCOP đều cho rằng, việc khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP chỉ là bước khởi đầu. Việc quan trọng sau đó là các chủ thể phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra đời nhiều hơn các sản phẩm OCOP được xếp hạng cao để có chỗ đứng trên thị trường, chinh phục được người tiêu dùng.

Chị Vũ Huyền Trang, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp hợp đồng (huyện Chương Mỹ) thì chia sẻ: "Hợp tác xã chúng tôi đã trực tiếp vận hành ba điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đang tiếp tục triển khai mở thêm từ hai tới ba điểm nữa. Các điểm này đều có lượng khách và doanh thu đạt tốt, trung bình khoảng hơn 300 lượt khách/ngày/điểm. Kinh nghiệm của chúng tôi đó là, nếu chỉ bán riêng sản phẩm OCOP thì sẽ khó thu hút khách hàng thường xuyên quay lại mua sắm. Do đó, cần bán kèm với các sản phẩm khác giống như một siêu thị mi-ni, phục vụ đa dạng nhu cầu, nhưng trong đó vẫn ưu tiên sản phẩm OCOP, làm nổi bật nhận diện sản phẩm và bố trí cả nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm.

Tổng Giám đốc Công ty CP MD Queen Trịnh Kim Thư mong muốn, chính quyền địa phương, các tổ chức tăng cường quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng về các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Bởi để đạt được chứng nhận này, các sản phẩm phải đáp ứng được hàng loạt tiêu chí rất khắt khe. Sau khi mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm, cần tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng sinh sống ngay trên địa bàn, nhất là thông qua các hội phụ nữ, hội người cao tuổi…, biết và tới tham quan, mua sắm.

Ðể tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP một cách hiệu quả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến phát triển thị trường. Sở Công thương Hà Nội bên cạnh việc hỗ trợ các quận, huyện mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, còn cần là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thế Hiệp đề nghị, các địa phương tiếp tục tích cực vào cuộc, thông tin, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có các địa điểm kinh doanh tham gia mạng lưới điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, ưu tiên phát triển tại các làng nghề truyền thống để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với khách du lịch, đối tác của làng nghề, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP hơn nữa.