Mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Trong ba ngày qua, hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách hàng, đối tác tới tìm hiểu sản phẩm, hợp tác giao thương. Hội chợ đã góp phần giúp ngành công nghiệp hỗ trợ mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00

Diễn ra từ ngày 24 đến 26/8 tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch, xây dựng quốc gia (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 đã thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đến từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia. Các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, thuộc nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại…

Dù mới đi vào hoạt động nhưng Công ty cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam (Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ) đã có sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ông Đặng Trần Thùy, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi đem tới Hội chợ công nghệ đúc mẫu chảy, đáp ứng yêu cầu về các chi tiết đúc cần độ chính xác cao, phức tạp mà các công nghệ khác hiện chưa làm được. Sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất linh kiện, van nước, van xả khí, thiết bị gia dụng... Hiện hơn 80% sản phẩm của công ty phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, dự kiến doanh thu năm 2022 sẽ đạt từ 2,5 đến 3 triệu USD.

Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng. Nhất là trong các nhóm ngành nghề như sản xuất linh kiện, phụ tùng; nhóm sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày và nhóm sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực. Thời gian qua lại gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp trong nước; tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư...