Dự kiến thành phố phía bắc Hà Nội có tổng diện tích khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô đơn vị hành chính gồm 45 phường và 24 xã. Thành phố phía bắc nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm, được định hướng với chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài.
Mục tiêu giảm quá tải cho nội đô
Thành phố phía bắc có chức năng chính là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hà Nội dự kiến nghiên cứu phát triển các trung tâm giải trí và thương mại giải trí, kinh doanh, hình thành chuỗi tổ hợp vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế tại khu vực này.
Đối với thành phố phía tây, dự kiến, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai. Đây là thành phố khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo có quy mô khoảng 251 km2; dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người, bao gồm 16 phường và 8 xã. Thành phố phía tây được định hướng xây dựng mô hình đô thị kép (hiện đại và sinh thái), có khu vực cao tầng và thấp tầng. Khoảng cách đi lại giữa hai trung tâm thành phố thuộc Thủ đô trong tương lai được xác định trong vòng 15 phút bằng các phương tiện công cộng.
Hiện có nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập thành phố ở khu vực phía bắc và phía tây Thủ đô như: vị trí thuận lợi, có sẵn các công trình hạ tầng giao thông, công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Từ những động lực hiện có, mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô được nhiều chuyên gia đánh giá là định hướng đúng đắn, phù hợp trong xây dựng phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn tới.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xây dựng hai thành phố mới trong lòng Hà Nội là bước đi phù hợp, nhằm giảm quá tải cho các quận nội thành. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt năm 2011, dự kiến dân số Hà Nội đến 2020 là 7,9 triệu dân, nhưng thực tế đã lên đến 8,4 triệu dân. Việc gia tăng dân số chủ yếu là do số lượng người dân di cư tự do từ các vùng, tỉnh lân cận vào Hà Nội.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, quy hoạch Thủ đô phải làm rõ hình thái phân bố dân cư đối với đô thị trung tâm, đô thị mở rộng và đặc biệt là các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc nhiều mục tiêu của quy hoạch chung thủ đô thiếu khả thi, chưa thực hiện được sau hơn 10 năm triển khai.
Theo quy hoạch chung năm 2011, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh nhưng đến nay việc triển khai các đô thị vệ tinh không tiến triển. Hòa Lạc là đô thị vệ tinh quan trọng, có Đại học Quốc gia, có khu công nghệ cao, có đất để làm, nhưng chưa làm được nhiều. Khu công nghệ cao vẫn ngổn ngang nhiều công trình xây dựng và còn tới 176 ha chưa giải phóng mặt bằng, ngay diện tích đã đầu tư hạ tầng cũng mới chỉ đưa vào khai thác khoảng 10%. Bốn đô thị vệ tinh còn lại là Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, nơi đô thị hóa chậm, nơi vướng mắc giải phóng mặt bằng, nơi chờ lập quy hoạch phân khu.
Không sao chép chính sách đặc thù
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận lần đầu đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều đề xuất về chính sách cho Thủ đô Hà Nội. Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, hai thành phố trực thuộc Thủ đô sẽ có đặc thù vượt trội, tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Mô hình này cũng là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.
Như vậy, Thủ đô sẽ có hai nhóm thể chế: Các quận dành cho khu vực đô thị trung tâm (chỉ bao gồm không gian đô thị); và các thành phố thuộc Thủ đô bao gồm khu vực có cả không gian đô thị (các phường) và có cả không gian nông thôn (các xã). Công tác quản lý thực hiện theo quy chuẩn, cơ chế riêng đối với khu vực đô thị và nông thôn của đô thị đặc biệt.
Đóng góp ý kiến cho quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình thực hiện mô hình thành phố trong thành phố của Hà Nội cần sự thận trọng, xác định bước đi phù hợp và cần có những chính sách mang tính đột phá, bài bản. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sẽ lại xuất hiện những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Hà Nội không nên tổng hợp một cách cơ học các cơ chế, chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho phép thí điểm ở các địa phương khác, mà cần những chính sách đặc thù phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố; bổ sung một số chính sách về tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư.
Kiến trúc sư Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến việc lập chương trình phát triển đô thị, xác định lộ trình để từng bước thực hiện quy hoạch chung, tránh tình trạng phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang” như giai đoạn trước.