Mở cánh cửa cho ngành công nghiệp hàng không

Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp hàng không trong nước và nước ngoài đã hội tụ tại Hà Nội để tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Thành phố Hà Nội kỳ vọng thông qua các hoạt động kết nối, các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận ngành công nghiệp chất lượng cao này.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác tại Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không.
Các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác tại Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không.

Công nghiệp hàng không là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện trong nước chưa có nhiều nhà sản xuất, cung cấp có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng cho các hãng sản xuất máy bay. Đơn cử, Tập đoàn Airbus mới có hai đối tác tại Việt Nam là Công ty TNHH Meggitt và Công ty TNHH Nikkiso có thể cung cấp các thiết bị cơ điện, cấu trúc compostie, linh kiện cho máy bay của hãng. Không như các ngành công nghiệp khác, vật tư sản xuất cho ngành hàng không phải được sự phê chuẩn của cơ quan quản lý và các hãng sản xuất máy bay.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất chất lượng cao này. Mới đây, thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không, nhằm phát triển mạng lưới chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu dùng bền vững cao cấp lĩnh vực công nghiệp hàng không. Đây là lần đầu tiên hội chợ triển lãm chuyên ngành hàng không được tổ chức tại Hà Nội, nằm trong chuỗi 18 sự kiện triển lãm lĩnh vực hàng không toàn cầu năm 2023, với sự góp mặt của các hãng hàng không lớn trên thế giới như: Airbus, Boeing, Safran, Thales, Mitsubishi, Parker...; các hãng hàng không Trung Quốc như China Southern, China Eastern và khoảng 50 doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước.

Góp mặt tại Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không do thành phố Hà Nội tổ chức, Tập đoàn Airbus bày tỏ mong muốn tìm kiếm các đối tác có thể đáp ứng các đơn hàng liên quan sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay với các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và phát triển bền vững của hãng. Theo bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam, Lào và Campuchia, hãng rất chào đón các nhà cung cấp ở Việt Nam có năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng của Airbus.

Sắp hoàn thành dự án nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hansip (huyện Phú Xuyên) vào tháng 5/2023, Công ty Onaga (Nhật Bản) đang kỳ vọng có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của lĩnh vực hàng không. Ông Ishida Takayuki - Quản lý chất lượng sản xuất Công ty Onaga cho biết: “Thông qua Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không do Hà Nội tổ chức lần này, chúng tôi đã được gặp gỡ một số đối tác như Viettel, VAECO, GMF AreoAsia, Boeing… Có đối tác đã được chúng tôi gửi báo giá và thống nhất ký hợp đồng cung cấp. Sau khi có đơn hàng, Onaga sẽ chuyển máy móc sang Việt Nam để tiến hành sản xuất”. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, dầu nhờn, dây chuyền sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp hàng không cũng đạt được những thỏa thuận hợp tác, mở rộng.

Nói về triển vọng của ngành công nghiệp hàng không, ông Stephane Castet, Chủ tịch Công ty Advanced Business Events (ABE), Cộng hòa Pháp nhận định: “Các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp như Airbus, Boeing… hay những doanh nghiệp cung ứng cấp 1, cấp 2 để từng bước nâng cao năng lực, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi tin rằng, Việt Nam có thể và sẽ trở thành một trung tâm hàng không, nơi sản xuất, trao đổi, bảo trì và đào tạo trong ngành hàng không vũ trụ trong tương lai”.

Quyền giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Hà Nội với lợi thế về quy mô doanh nghiệp, nhân lực lao động chất lượng cao, nhiều cơ sở nghiên cứu về khoa học-công nghệ, thuận tiện về giao thông kết nối với các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh..., đặc biệt có sân bay quốc tế Nội Bài. Thông qua việc tổ chức hội chợ triển lãm chuyên ngành hàng không, Hà Nội kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp hàng không của Thủ đô, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua sự kiện này, Hà Nội mong muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hàng không đến với Hà Nội”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội luôn chú trọng nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp hàng không, gắn với bảo vệ môi trường; khuyến khích thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia, trong đó phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung.