Mang Huế về giữa sân nhà

Hơn 20 năm trước, khi vừa từ Australia trở về, anh Nguyễn Thanh Tùng (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định bắt tay thực hiện ước mơ ấp ủ suốt thời niên thiếu: Tái hiện “Cố đô Huế thu nhỏ” ngay khuôn viên nhà mình để mẹ vơi bớt nỗi nhớ quê. Sau bảy năm miệt mài, anh mở cửa đón tất cả mọi người ghé thăm.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Thanh Tùng chăm chút từng góc nhỏ trong công trình “Cố đô Huế thu nhỏ”.
Anh Nguyễn Thanh Tùng chăm chút từng góc nhỏ trong công trình “Cố đô Huế thu nhỏ”.

Công trình “Cố đô Huế thu nhỏ” của anh Tùng bao gồm 151 kiến trúc được tái hiện theo tỷ lệ 1/700 so với kích thước thật của các quần thể di tích. Hoàn tất phần chính, anh trồng thêm cây cỏ, tạo núi non, sông suối. Chỗ anh Tùng chọn đặt toàn bộ công trình trước kia từng là ruộng rau muống với diện tích gần 1.000 mét vuông, sâu gần hai mét.

Anh năn nỉ chủ ruộng bán lại và cho nợ một khoản, đi làm trả dần. Chưa có tiền đổ đất lấp ruộng, anh cắm vài cây trụ cao để hình dung không gian đặt các mô hình di tích. Không học kiến trúc hay mỹ thuật, anh tự nhận mình quá liều khi bỏ công thiết kế, sửa đi sửa lại nhiều lần cho đến khi bản vẽ thành hình. Thời điểm đó, gần 30 tuổi, lịch làm việc của anh dày đặc, sáng đi làm kiếm tiền, chiều tối về miệt mài với công trình tặng mẹ.

Cái khó là trong số 151 di tích muốn tái hiện có hơn 50 công trình phải phục dựng hoàn toàn, đòi hỏi rất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu để mọi thứ chỉn chu, bảo đảm các yếu tố lịch sử, văn hóa. Anh Tùng cho biết: Ngọ Môn, Kỳ Đài, Hiển Lâm Các là ba công trình khó tái hiện nhất. May sao có người quen là chủ nhà xe tuyến Sài Gòn-Huế.

Gần hai năm ròng, cứ cuối tuần anh lại xin làm phụ xe để có cơ hội đi thực tế các điểm di tích quan trọng ở Huế. Anh Tùng hay nói vui, đó là cách tiết kiệm nhất để tự tay thu thập chất liệu quan trọng cho việc tạo dựng công trình. Lần nào ghé Huế, anh cũng háo hức leo lên Kỳ Đài ngắm toàn kinh thành cổ kính để cảm nhận rõ vẻ đẹp của quê hương. Có lúc anh tự tay đo từng viên gạch ở khu Kỳ Đài rồi ghi chép, vẽ lại mọi thứ vào sổ thật cẩn thận trước khi xách ba-lô quay về Thành phố Hồ Chí Minh.

Cái khó tiếp theo là chất liệu tái dựng di tích. Thời điểm đầu, anh Tùng quyết định làm các mô hình bằng gỗ, nhưng mới bước qua tháng thứ ba, công trình đặt mục tiêu tồn tại 100 năm đã nứt toác, hư hỏng nặng do không chịu được sự tác động của nắng mưa, khí hậu ẩm nóng. Chuyển phương án, anh đi hỏi thăm các xưởng chạm đá để đặt hàng.

Vậy mà, khi anh Tùng đem 20 căn nhà bằng gỗ nhờ chạm theo mẫu, người thợ nói cần 10 năm mới có thể hoàn thành. Phương án thứ ba là làm công trình bằng bột đá nghe rất ổn nhưng chi phí quá cao; chuyển sang làm bằng xi-măng cũng thất bại. Tưởng chừng bỏ cuộc thì may mắn lại đến, anh tìm được người hỗ trợ hoàn thiện công trình bằng gỗ và bột đá với chi phí rẻ. Lúc tìm ra giải pháp, anh Tùng mừng đến mất ngủ.

Năm 2000, thời điểm bắt tay thực hiện công trình, anh Tùng chẳng đủ kinh phí để thuê người phụ cho nên chuyện gì cũng phải tự mày mò, vừa làm vừa chỉnh sửa, bổ sung. Thấy một thạc sĩ ngành công nghệ vừa du học nước ngoài về mà suốt ngày cầm bản vẽ, ngậm cây bút chì, đi tới đi lui ngắm mấy cái trụ đặt giữa ruộng muống, nhiều người thở dài, nói anh làm chuyện viển vông.

Bỏ ngoài tai mọi lời khen chê, anh cứ tỉ mỉ hoàn thành từng hạng mục trong bản kế hoạch chi tiết do mình tạo ra: “Lúc đó mạng internet chưa phát triển như bây giờ, tôi phải đi thực tế rất nhiều, hỏi đủ kênh quen biết, đọc thêm các tài liệu, sách vở trong và ngoài nước để chọn những thông tin cần thiết. Tôi trẻ, không có tiền nhưng lại thừa quyết tâm, cứ nghĩ là làm dù chưa biết khi nào sẽ xong. Hai năm nghiên cứu, ba năm vun bồi thông tin, 5 năm đó thách thức vô cùng. Không hiểu tôi đang làm gì, người ta bảo tôi khùng. Nhưng bù lại, tôi cũng gặp được nhiều người giúp đỡ. Năm 2007, “Huế thu nhỏ” ra đời trong niềm hạnh phúc của tôi và gia đình”.

Trước khi theo gia đình từ Huế vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, anh Tùng đã trải qua thời thơ ấu thật đẹp bên sông Hương, núi Ngự. Anh nhớ như in những câu chuyện mẹ kể khi ngồi chằm nón lá, nhớ từng lời ba dặn trong lúc đục gỗ, ghép nhà rường. Anh Tùng nói bản thân may mắn khi tuổi thơ được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện, lời ca đẹp về quê hương, xứ sở, cho nên có đi xa lòng vẫn muốn quay về.

Ban đầu chỉ dự định làm quà tặng mẹ và để gia đình, người thân có thêm không gian thư giãn, nhưng khi công trình sắp hoàn thành, anh Tùng tự hỏi “Tại sao không mở cửa tự do để ai muốn tìm hiểu về Huế đều có thể ghé thăm?”. Từ ý tưởng đó, mười mấy năm qua, anh Tùng đã đón hơn ba triệu lượt khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về công trình tái hiện di tích tại khuôn viên nhà mình.

Khách đến với không gian “Huế thu nhỏ” không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của từng di tích được tái hiện như thật mà còn có cơ hội lắng nghe nhiều câu chuyện thú vị. Thích nhất là đón các đoàn học sinh, sinh viên ghé thăm vì khi đó, anh Tùng có cơ hội gieo vào người trẻ những thông tin độc đáo liên quan đến lịch sử, văn hóa mà bản thân thu thập được trong suốt nhiều năm nghiên cứu về Huế.

Anh luôn chọn kể những câu chuyện đẹp để các bạn trẻ tự hào về đất nước, quê hương. Hình ảnh, thông tin về “Huế thu nhỏ” cũng theo chân anh Tùng đến nhiều trường học giúp người nghe có thêm thông tin về lịch sử, văn hóa, kiến trúc một vùng đất đặc biệt tại miền trung. Kề bên khu di tích thu nhỏ, anh làm một nhà rường để mời khách quý ngồi thưởng trà sen, nhâm nhi chút bánh mứt đậm chất Huế.

Thi thoảng cao hứng, anh cầm đàn, ngân nga những giai điệu quê hương bằng chất giọng ngọt ngào khiến khách chẳng muốn rời đi. Từ ngày “Huế thu nhỏ” thành hình, ngày nào mẹ anh Tùng cũng ra ngắm nghía, gật gù. Anh biết, mẹ vui với món quà ý nghĩa, vậy nên 7 năm nhọc nhằn cuối cùng đã được đáp đền xứng đáng