Lưu dấu hồn quê

Không gian man mác thanh bình. Những nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công ở đây cùng chung một tình yêu cái đẹp, say nghề mà chế tác những sản phẩm đậm chất văn hóa, giàu tính nhân văn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách xem một công đoạn thêu truyền thống.
Du khách xem một công đoạn thêu truyền thống.

Nghệ nhân Lê Văn Luật, Giám đốc Làng nghề Trường Sơn cho biết, làng nghề được xây dựng từ năm 2014, xuất phát từ dự án Khu văn hóa đa năng, bảo tồn và hành nghề truyền thống, triển lãm vườn tượng do Công ty cổ phần Chế biến Lâm Thủy sản Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Làng nghề có khuôn viên rộng gần 2ha, tọa lạc tại số 8 đường Trường Sơn, phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu bảo tồn nghề nghiệp truyền thống.

Đây là nơi nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ làm nên những sản phẩm độc đáo giới thiệu với du khách; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống, nghề dân gian cổ xưa ở địa phương.

Gắn bó với làng nghề, nghệ nhân điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Hội Gốm mỹ thuật Sài Gòn chia sẻ: Là nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc. Những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, anh em ở đây quyết tâm thực hiện những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tinh thần quyết liệt chống dịch của nhân dân ta.

Không chỉ có anh Đoàn Xuân Hùng, dù gặp nhiều khó khăn, có những lúc rất căng thẳng như thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nghệ nhân Làng nghề Trường Sơn đã cho ra đời nhiều sản phẩm được chế tác công phu, tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao.

Thông qua sản phẩm của mình, Làng nghề Trường Sơn muốn gửi gắm thông điệp, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn có thể làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công ở đây đã làm ra những sản phẩm đậm chất văn hóa, giàu tính nhân văn. Ở đây, tôi thấy có rất nhiều người đến chiêm ngưỡng những nét tài hoa của nghệ thuật thêu tay truyền thống.

Với nét phác thảo của họa sĩ Lê Vũ, nghệ nhân Lâm Thị Mỹ Thùy trình diễn những đường kim chia sợi chỉ làm hai, làm ba mà làm nên chân dung cuộc sống, với đủ đầy đường nét, sắc màu của nó. Có lẽ, từ sự cuốn hút đó, trong những ngày đầu năm Quý Mão 2023, làng nghề đón gần 7.000 lượt khách tham quan.

Hiện nay, Làng nghề Trường Sơn Nha Trang tập hợp được khoảng 20 nghề truyền thống, ưu tiên nghề truyền thống của địa phương Khánh Hòa. Có thể kể như: Đan lát song mây; gốm nghệ thuật Lư Cấm; dệt chiếu Vĩnh Thái; đan lưới chài Vĩnh Trường; đan võng Nha Trang; chằm nón Diên Khánh; ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên... Những nghề này, trên thực tế, có nghề vẫn phát triển bình thường nhưng có nghề đang dần đi vào quá vãng, để mãi mãi là những kỷ vật, hoài niệm, như nghề dệt chiếu Vĩnh Thái chẳng hạn. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, do đó, đang là mối quan tâm đặc biệt của không chỉ những người đang làm công tác văn hóa.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, giọng anh Lê Văn Luật nhiều khi chùng hẳn xuống. Anh nói nhiều về những khó khăn của làng nghề, trong đó, câu chuyện thu nhập của người lao động được nhắc nhiều nhất. Bởi, đây là điểm cốt yếu để giữ nghề.

Thu nhập thấp, đời sống nghệ nhân thiếu ổn định cho nên công tác đào tạo thế hệ tiếp nối cho làng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Bao giờ thì những nghệ nhân, nghệ sĩ sống được bằng chính thu nhập của nghề mình đang theo đuổi? Rồi ngày mai, nghề xưa sẽ ra sao; nhu cầu sử dụng sản phẩm tới đâu; và ai sẽ là người làm công việc chế tác sản phẩm? Làng nghề Trường Sơn đau đáu ưu tư với những bài toán ấy, mà chỉ riêng bản thân họ, khó có khả năng đưa ra đáp án.

Gắn bó với Làng nghề Trường Sơn, họa sĩ Lê Vũ chia sẻ, nơi đây là một vùng không gian sinh thái, không gian văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công. Mỗi người đến đây cảm nhận được sự trân quý, tôn trọng của mọi người dành cho nghề nghiệp cho nên hăng say sáng tạo.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, anh em nghệ sĩ, nghệ nhân ở đây đều đang cố gắng thực hiện thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện hình tượng nhân vật, truyền thuyết, lịch sử, người có công tiêu biểu gắn với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa.