“Lối thoát nạn thứ hai” cho nhà ở kết hợp kinh doanh

Nhiều vụ cháy tại các căn nhà ở kết hợp kinh doanh thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội gióng lên hồi chuông cảnh báo, tuy nhiên việc ngăn chặn, đề phòng những vụ cháy xảy ra chủ yếu phụ thuộc từ chính ý thức của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Vụ cháy xảy ra tại nhà dân số 59 ngõ 879 Ðê La Thành ngày 8/8.
Vụ cháy xảy ra tại nhà dân số 59 ngõ 879 Ðê La Thành ngày 8/8.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng nhà ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra, vào. Khảo sát một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Chính thực trạng trên đã khiến các vụ hỏa hoạn tại cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở xảy ra liên tục trong thời gian qua. Mới đây nhất là vụ cháy tại nhà dân tại số 59 ngõ 879 Ðê La Thành (phường Ngọc Khánh). Ðám cháy bùng lên từ tầng 2 trong ngôi nhà kinh doanh tạp hóa hỗn hợp tại tầng 1, còn tầng 2, tầng 3 cho thuê trọ. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng căn nhà và nhiều hàng hóa bị hư hỏng nặng.

Không may mắn như vậy, tháng 4/2021, vụ cháy xảy ra tại cửa hàng bỉm sữa ở số 311 phố Tôn Ðức Thắng (phường Hàng Bột, quận Ðống Ða) đã khiến bốn người trong cùng gia đình tử vong. Ngôi nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh. Các mặt hàng được xếp trên các kệ tủ ở tầng 1. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum dùng làm nơi chứa hàng và sinh hoạt. Ðây là ngôi nhà hình ống, có mái lợp tôn hàn sắt và có một lối ra, vào là cửa chính.

Theo đại diện lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy cho thấy hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật. Do không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Ngoài ra, có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn... Ðây chính là những nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Mặt khác, nhiều cơ sở kinh doanh nằm xen lẫn trong khu dân cư, mật độ dân số rất lớn, không đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Bên cạnh đó, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Ðiều đáng nói là khi tổ chức tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thì lực lượng trong độ tuổi lao động ít tham gia, dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ, việc chữa cháy ban đầu tại cơ sở rất lúng túng. Ðây cũng là nguyên nhân gây thương vong, cháy lan khi cháy, nổ xảy ra.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy phòng cháy, chữa cháy; xây dựng và cải tạo nhà ở nói chung và nhà phố, nhà ống nói riêng cần hết sức lưu ý phải có ít nhất hai lối thoát nạn. Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua ban công, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận. Trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, người dân cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa, đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn.

Ðể kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; quyết tâm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra đối với loại hình này, UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn yêu cầu kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp quản lý; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là việc vận động để tất cả các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa có “lối thoát nạn thứ hai” phải mở “lối thoát nạn thứ hai”; thường xuyên rà soát, nắm tình hình, cập nhật đầy đủ, chính xác danh sách, tình trạng hoạt động, việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý trên địa bàn; định kỳ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra đột xuất khi phát hiện trường hợp vi phạm, có nguy cơ mất an toàn.