Lễ cầu mưa của người Cơ Ho Cil

Là cư dân sống chủ yếu bằng làm nương rẫy và theo tín ngưỡng đa thần cho nên trong chu kỳ sản xuất nông nghiệp, người Cơ Ho Cil thường tổ chức nhiều nghi lễ như lễ cúng rừng, phát rẫy, lễ gieo hạt, lễ cầu mùa lúa chín, lễ mừng lúa mới... và lễ cầu mưa. Người Cơ Ho Cil gọi lễ cầu mưa là nhô dơng, nghi lễ tạ ơn các vị thần đã ban cho con người có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và sự bình yên cho gia đình, dòng tộc và buôn làng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức phục dựng, tái hiện lễ nhô dơng của người Cơ Ho Cil.
Tổ chức phục dựng, tái hiện lễ nhô dơng của người Cơ Ho Cil.

Lễ nhô dơng thường diễn ra vào tháng 2, tháng 3 hằng năm. Đây là dịp cao điểm mùa khô Tây Nguyên, khi cái nắng oi nồng như muốn rút cạn mọi nguồn nước, thiêu cháy vạn vật. Người Cơ Ho Cil tin rằng, vạn vật hữu linh cho nên mỗi công đoạn trong lễ cầu mưa phải được chuẩn bị kỹ càng, vì nếu không thực hiện đúng nghi thức sẽ bị thần linh trách phạt. Nếu đã hứa và thực hiện đúng lời hứa với thần linh thì sẽ được thần linh phù hộ.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, lễ nhô dơng chính thức bắt đầu. Già làng và người phụ lễ mang đồ lễ ra khu vực cây nêu (gồm 5 cây) được dựng sẵn và để đồ lễ quanh cây nêu chính, 4 cây nêu còn lại buộc 4 ché rượu cần. Già làng đi quanh cây nêu và đọc lời khấn tạ ơn Yàng và mời Yàng về dự lễ cùng buôn làng: Hôm nay buôn làng tổ chức lễ nhô dơng và tạ ơn Yàng sẽ có vật tế lễ, có rượu cần ngon để cúng Yàng. Xin Yàng hãy về chứng kiến nhận vật tế lễ và phù hộ cho mọi người trong buôn làng luôn được mạnh khỏe, cho buôn làng có mùa rẫy mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu... Ơ Yàng!

Sau lời khấn, già làng thổi 3 hồi tù và kêu gọi lũ làng về dự hội: Hỡi lũ làng, sau một năm vất vả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa; cho cái nương, cái rẫy tốt tươi; cho lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây làm lễ tạ ơn Yàng!

Trong lúc già làng làm lễ hiến sinh tạ ơn Yàng, vòng xoang sẵn sàng vào hội. Lễ hiến sinh (một con gà trống, một con dê) đã diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, với lễ vật được dày công chuẩn bị, sắp đặt bằng tất cả lòng thành kính dâng lên các vị thần. Già làng lấy máu gà bôi lên cây nêu, các mặt chiêng, các lễ vật và lên trán những người dự lễ, mong những lời khẩn cầu được thần linh ứng: "Này đây dê, gà về với các thần. Về với thần mưa, xin thần cho con người nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, cho cây lúa trĩu hạt vụ mùa sắp tới". Sau đó, chiêng, trống tấu lên bài nghi thức hiến sinh, điệu xoang dân vũ di chuyển vòng tròn quanh cây nêu.

Sau lễ hiến sinh, già làng làm thủ tục khai ché mời rượu Yàng và các thần linh. Sau đó mời rượu khách quý; các thiếu nữ đeo vòng cườm, còng đồng cho các thành viên và khách mời. Tiếp đến, già làng thực hiện nghi thức tắm dê. Bên cạnh cây nêu, già làng múc nước tưới lên mình chú dê được buộc sẵn. Theo câu chuyện được trao truyền của người Cơ Ho Cil, xưa, ở vùng đất này đang giữa mùa khô, trời đang nắng nóng mà dê tìm nước tắm thì vài ngày sau trời sẽ đổ mưa.

Già làng K’Tư cho biết, trong các lễ hội nông nghiệp của người Cơ Ho, khi tổ chức lễ bao giờ dân làng cũng làm nghi thức cúng Yàng. Lễ vật thường có cá khô, muối, gạo, xôi, gà và trái cây. Lễ hiến sinh để tạ ơn Yàng, nếu năm được mùa làm lễ lớn thì hiến sinh trâu, nhỏ hơn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà.

Kết thúc phần lễ, dàn chiêng được hạ xuống, cả buôn làng cùng vào hội rộn rã với những bài chiêng mừng quý khách, tiếng chiêng mừng ngày hội, tiếng chiêng proh gọi nhau, tiếng chiêng drênh gọi mưa... tấu lên thổn thức; vòng xoang thêm rộng với những điệu dân vũ nồng nhiệt, đắm say. Những ché rượu cần được khui, cuộc vui cứ như thế chếnh choáng với men rừng. Tiếng chiêng càng lúc càng vang xa, tiếng kèn bầu càng thao thiết, các điệu múa rạo rực để các Yàng thêm vui, các lời khấn cầu càng thêm linh ứng.

Lễ hội nhô dơng theo nghi thức truyền thống có thể diễn ra trong 3 ngày, tùy theo điều kiện. Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự phát triển, hình thái kinh tế-xã hội thay đổi, phương thức sản xuất gắn với những tập tục xưa của đồng bào Cơ Ho đang dần mai một.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp UBND huyện Đam Rông tổ chức tái hiện lễ nhô dơng của người Cơ Ho Cil, nhằm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa ngày nay.