Hương vị rượu cần của người Mạ

Bà H’Mai người dân tộc Mạ ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) và bà Grum ở cùng xã đều là những người gắn bó với nghề làm rượu cần từ thời niên thiếu. Các bà đã đưa hương vị rượu cần của dân tộc mình đến với cộng đồng. Đó cũng là cách mà những người phụ nữ này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người mình.
0:00 / 0:00
0:00
Bà H’Mai ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa phơi ché rượu cần.
Bà H’Mai ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa phơi ché rượu cần.

Theo bà H’Mai và bà Grum, bí quyết để làm rượu cần ngon phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị ché rượu. Ché sau khi được vệ sinh sạch sẽ phải tráng qua bằng nước nấu từ lá cây Rdong. Khi phơi ché phải bỏ lá cây Rdong đã nấu nước vào trong ché để phơi cùng cho đến khi lá Rdong trong ché khô thì lúc đó ché mới đạt độ khô, mới đủ tiêu chuẩn dùng để ủ rượu. Ché được xử lý đúng cách, đạt độ khô thì khi ủ rượu sẽ không bị chua, giữ được mùi thơm đặc trưng, để càng lâu rượu càng thơm ngon mà không bị hư.

Bà H’Mai cho biết, để có được ché rượu cần ngon không thể thiếu loại men truyền thống được làm từ vỏ và lá cây rừng, loại men này giúp rượu có mầu đẹp, mùi thơm đặc trưng. Khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người Mạ sẽ nấu cơm gạo, trộn một ít gạo nếp. Khi cơm được nấu chín phải lấy ra rải trên nong cho đến khi nguội, sau đó trộn đều cơm nguội với men rừng đã chuẩn bị sẵn cùng vỏ trấu rồi mới cho vào ché để ủ. Cách làm đơn giản là vậy, nhưng để có được ché rượu ngon, mầu rượu đẹp thì người ủ rượu phải có kinh nghiệm, các nguyên liệu phải dùng đúng cách, liều lượng phải hài hòa.

Bà Grum nói: “Làm rượu cần không khó, nhưng để ủ được ché rượu ngon, mang đặc trưng hương vị rượu cần người Mạ, ngoài bí quyết truyền thống, men cây rừng, đòi hỏi phải có sự khéo léo và tâm huyết của người ủ rượu. Ngay trong rượu cần của người Mạ cũng có sự khác nhau, mỗi ché rượu của từng gia đình đều có vị khác nhau, với nhạt, chua, cay, nồng, ngọt, thanh, đậm...”.

Phát huy giá trị nghề truyền thống, tháng 8/2018, tổ hợp tác sản xuất rượu cần của đồng bào dân tộc Mạ ở xã Đắk Nia (thành phố Gia Nghĩa) được thành lập, quy tụ 7 thành viên. Bước đầu, tổ hợp tác tiến hành mua chung ché, gạo nguyên liệu, men cây rừng, sản xuất cùng một công thức để tạo ra loại rượu truyền thống có chất lượng ngon cung cấp cho thị trường. Đến tháng 11/2018, nghề làm rượu cần được tỉnh Đắk Nông công nhận là nghề truyền thống do tổ hợp tác rượu cần ở bon Ting Wel Đơm sản xuất.

Tháng 1/2019, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông hỗ trợ tổ hợp tác kiểm tra các chất trong rượu. Kết quả xét nghiệm các chất trong rượu cho thấy không có độc tố methanol và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn, chất lượng đồ uống an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu. Việc công bố các chất trong mẫu xét nghiệm đã tạo điều kiện cho tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia tuyên truyền, quảng bá về rượu cần truyền thống. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với thành phố Gia Nghĩa xây dựng logo rượu, nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ rượu cần Đắk Nia, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho rượu cần Đắk Nông, mở ra hướng phát triển mới, góp phần giữ gìn nghề rượu cần truyền thống. Xã Đắk Nia đã hỗ trợ mua thêm ché, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, giới thiệu quá trình sản xuất rượu cần bằng hình ảnh và các mẫu nguyên liệu để du khách tham quan tại làng nghề truyền thống, đồng thời chọn sản phẩm rượu cần là sản phẩm OCOP xếp hạng cấp quốc gia.

Từ khi được công nhận nghề truyền thống, thu nhập của các hộ sản xuất đã tăng lên đáng kể. Thành phố Gia Nghĩa cũng đã lập đề án du lịch để bảo tồn bản sắc dân tộc, trong đó có nghề rượu cần truyền thống của người Mạ.