Xã Tân Bình hiện có 1.360 hộ, với 5.378 khẩu, trong đó 97% số dân gốc Quảng Nam. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Văn Phương cho biết: Nguồn gốc khoai Lệ Cần có từ vùng Trà Đỏa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1957, khi người dân Trà Đỏa di dân lên vùng đất này đã mang giống khoai lang theo trồng. Giống khoai lang Trà Đỏa rất hợp với vùng đất đỏ ba-dan Lệ Cần cho nên cho năng suất cao hơn, lại có hương vị đặc biệt thơm ngon, giúp người dân ly hương bước đầu bám trụ được với vùng đất mới nhiều khó khăn, vất vả.
Khoai lang Lệ Cần có mùi thơm đặc trưng, ruột vàng như lòng đỏ trứng gà luộc, khoai bở mà ăn ngọt lịm. Người dân ở Tân Bình cho biết: Khoai lang Lệ Cần càng nổi tiếng hơn khi nhà thơ Xuân Diệu trong một lần về Pleiku đã có bài thơ viết về khoai Lệ Cần. Chuyện là: Năm 1976, Xuân Diệu đến nhà người bạn là nhà thơ, nhà giáo Lê Nhược Thủy chơi và ở lại dùng cơm. Trong các món ăn thời đó, Xuân Diệu được mời thưởng thức món khoai lang Lệ Cần. Cảm tạ tấm lòng chân thành của gia chủ cùng với món khoai lang rất ngon cho nên nhà thơ đã làm và ngâm bài thơ tặng Lê Nhược Thủy. Bài thơ hiện đang được nhiều gia đình ở Lệ Cần, xã Tân Bình sưu tầm, lưu giữ in trang trọng trưng ở phòng khách. Nội dung bài thơ như sau: “Cảm tạ vợ chồng anh giáo Huế/ Thết tôi một bữa Lệ Cần khoai/ Cũng không ngọt lắm mà sao lạ/ Ăn mãi ngon lành như thể cơm”. Nhờ bài thơ này mà khoai Lệ Cần đã ngon lại càng thêm nổi tiếng.
Khoai Lệ Cần vụ mùa được trồng vào tháng 4, thu hoạch vào tháng 8 âm lịch; khoai vụ đông xuân trồng vào tháng 11, thu hoạch vào tháng 3. Khoai thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đấy. Người dân Gia Lai coi khoai Lệ Cần như một đặc sản, đi xa là nhớ; là món quà quý gửi người thân, bạn bè ở khắp cả nước.
Hiện, khoai lang Lệ Cần là sản phẩm đặc trưng của huyện Đắk Đoa, được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai ■