Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm Ê Đê

Giống như nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, thổ cẩm người Ê Đê là sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và nghệ thuật tạo hình tinh tế. Mỗi tấm thổ cẩm chứa đựng cả tâm hồn của họ.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm truyền thống.
Phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, giống như các dân tộc thiểu số khác, phụ nữ Ê Đê tự tay dệt vải thổ cẩm để làm nên những tấm chăn, địu, váy, áo sử dụng hằng ngày, hoặc dùng làm của hồi môn khi cưới chồng, dùng làm quà tặng trong các dịp đặc biệt, thậm chí dùng làm của cải tiễn người mất.

Thổ cẩm của người Ê Đê thể hiện sự sáng tạo, có nghệ thuật tạo hình tinh tế. Để làm nên tấm thổ cẩm, trước hết phải có nguyên liệu dệt là bông gòn (tiếng Ê Đê gọi là blang). Bông sau khi thu hoạch được đánh tơi, kéo sợi rồi được nhuộm mầu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Khi đã có những sợi chỉ mầu như ý sẽ đưa lên khung, bện sợi và dệt, tạo hình hoa văn.

Trước kia, thổ cẩm Ê Đê có hai tông mầu chủ đạo là đen và đỏ. Ngày nay, sắc màu thổ cẩm có năm mầu cơ bản gồm: hrah (đỏ), yadu (đen), cakni (vàng), apiek (xanh) và kỗ (trắng), đôi khi có cả mầu xanh lục nhưng rất hiếm. Để tạo nên sắc mầu chủ đạo trên thổ cẩm, phụ nữ Ê Đê tìm nguyên liệu tạo mầu từ các loại lá, rễ cây rừng. Vào tháng 7 hằng năm, người Ê Đê vào rừng hái lá krum già để làm thuốc nhuộm, sau đó phơi vỏ ốc suối, nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum.

Sợi nhuộm hỗn hợp này có mầu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp này nước lá knung giã nhỏ, nấu trong nồi chàm sẽ cho ra chất sợi mầu đen bóng mịn, giặt không phai, phơi nắng không bay mầu. Mầu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên; mầu đỏ trên thổ cẩm Ê Đê chỉ đậm hơn mầu đất nung một chút. Sản phẩm dệt mầu đỏ được coi trọng hơn hết, những tấm thổ cẩm đỏ thường dùng để trang trí trong các lễ hội, những buổi cúng Yàng chứ không được cắt may thành những món đồ gia dụng.

Khung dệt của người Ê Đê là kiểu khung dệt Indonesien. Hình thức dệt vải của người Ê Đê được các nhà dân tộc học gọi là kỹ thuật đan luồn sợi. Để tạo hình hoa văn, người dệt sẽ thiết kế bố cục, kích cỡ họa tiết từ khi bắt đầu lên khung, nhặt sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, cách nâng và hạ sợi khác nhau, khi dệt sẽ tạo thành các dải họa tiết nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc khổ vải. Trong quá trình xếp sợi, người dệt sẽ phối mầu xen kẽ như đỏ-đen, đen-vàng, đỏ-chàm sẫm để khi dệt sẽ có những dải hoa văn nổi bật, tạo điểm nhấn cho trang phục.

Thông thường, trên một khổ vải rộng khoảng 0,9m, người Ê Đê tạo những đường viền (diềm) nhỏ ở hai đầu biên vải. Phần hoa văn chính tập trung cách biên, khoảng 20 đến 30 cm và một số đường trang trí nhỏ chạy giữa thân vải. Dải hoa văn thường chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt tấm thổ cẩm, gồm những chuỗi họa tiết như cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, cầm thú... được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài.

Ngoài ra, còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc, cong, gãy song song theo dải hoa văn. Tùy vào mỗi loại trang phục, người Ê Đê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau. Hoa văn trang phục nam nữ, trang phục hằng ngày và dùng trong các dịp lễ đều khác nhau. Thậm chí, hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của người mặc.

Theo các nhà nghiên cứu, người Ê Đê chọn tông mầu đen hoặc chàm sẫm làm mầu nền chủ đạo trên thổ cẩm, vì họ muốn hòa mình vào thiên nhiên với nương rẫy, núi rừng, nơi họ sinh sống. Nổi trên nền tối đó là những dải mầu tương phản như đỏ, vàng, nhưng do độ mảnh mai của các đường diềm, nên sự tương phản trở nên khá chìm lắng.

Người Ê Đê có kỹ thuật kteh, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Trước kia, chỉ những gia đình khá giả mới dùng trang phục hoặc lễ phục có hoa văn dùng kỹ thuật này. Kteh là kỹ thuật thủ công, kết hợp sợi chỉ mầu tạo hoa văn xếp cùng hạt cườm hoặc hạt bo bo thành những dải hoa văn sít nhau, dệt sát phần biên gấu áo hoặc chân khố, chân váy. Để dệt được một tấm thổ cẩm, người phụ nữ Ê Đê phải mất một thời gian dài khoảng bốn tháng, thậm chí nhiều hơn, tùy thuộc vào kích thước và các hoa văn của tấm vải.

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một, số lượng các nghệ nhân, phụ nữ Ê Đê biết dệt ngày càng ít dần, bởi tác động của sự giao thoa văn hóa, hòa nhập với xu thế hiện đại. Trước thực trạng đó, ngành văn hóa Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê với nhiều chương trình, dự án khác nhau.

Ở nhiều địa phương, buôn làng trong tỉnh đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời truyền nghề cho lớp trẻ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã dần bắt kịp xu thế của sự phát triển, tạo ra các sản phẩm từ vải thổ cẩm như túi, ba-lô, áo, khăn, móc gắn chìa khóa... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.