Nghệ thuật kiến trúc cổ tại Đà Lạt

Đà Lạt, đô thị đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn.
0:00 / 0:00
0:00
Biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt.
Biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt.

Lịch sử quy hoạch Đà Lạt tiếp cận rất sớm với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại. Từ mục tiêu, ý tưởng quy hoạch đến giải pháp thực hiện đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi văn hóa phương Tây, nên sản phẩm quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt đã khắc họa rõ nét về không gian và thời gian của một giai đoạn lịch sử, làm nên sắc thái đô thị rất đặc trưng.

Ở đô thị Đà Lạt, mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tạo nên thành phố bản sắc.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: "Giá trị cốt lõi tạo nên "thương hiệu" Đà Lạt là ở các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc hiếm nơi nào có". Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời là "linh hồn" của Đà Lạt.

Đà Lạt được nhìn nhận như một "Bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam". Từ ngôi nhà tranh đầu tiên, đến mười ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà vùng miền núi nước Pháp; năm 1930, Đà Lạt có đến 398 ngôi biệt thự đồ sộ bằng bê-tông cốt thép và đến năm 1949, phố núi đã có hơn 1.500 biệt thự, dinh thự, các công trình kiến trúc công cộng; trong đó, hiện có 166 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.

Điều độc đáo là không có sự trùng lặp kiểu dáng, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ, đặt trong sự thể nghiệm những giá trị thẩm mỹ mới, trên cơ sở vừa tuân theo các nguyên tắc cục bộ đô thị kiểu Pháp, vừa phù hợp đặc điểm cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương trong thiết kế các tổng thể kiến trúc đô thị. Nhiều kiến trúc sư trong nước và thế giới cho rằng, đây là những tác phẩm kiến trúc độc đáo, vừa hoàn thiện về thẩm mỹ và hoàn chỉnh về kỹ thuật.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Île-de-France tại Hà Nội cho biết: "Dấu ấn kiến trúc Pháp rất đa dạng ở Đà Lạt. Bởi vì, khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này và nhận ra rằng, đây là nơi có thể tái hiện một đô thị kiểu Pháp, vì không gian cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu đều tương tự".

Kiến trúc đặc thù của Đà Lạt là ở đây, các kiến trúc sư ít vận dụng lối kiến trúc cổ điển, hoặc tân cổ điển để thể hiện quyền lực, mà họ chắt lọc những kiến trúc vùng miền nước Pháp, hoặc phong cách hiện đại để kiến tạo ở đây thành một quần thể kiến trúc nghỉ dưỡng, những ngôi biệt thự tạo sự yên tĩnh, thoải mái và hoài niệm, nghệ thuật thẩm mỹ hiện đại, với những gian phòng có tầm nhìn rộng hướng ra cảnh quan.

Các công trình kiến trúc cổ ở Đà Lạt luôn tận dụng tối đa địa hình, địa thế phù hợp, hài hòa; bảo đảm sự riêng tư, tĩnh lặng và mức độ ăn nhập cảnh quan. Sau này, khi được cộng hưởng thêm yếu tố văn hóa, lối sống bản địa, đã tạo nên "bản phối" hoàn chỉnh nghệ thuật kiến trúc Á-Âu trong tiến trình phát triển phố núi Đà Lạt.

Các biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo phần lớn được kiến tạo theo lối kiến trúc miền bắc nước Pháp với sườn gỗ, tường chèn gạch, cửa sổ mái tam giác, mái vạt góc có độ dốc lớn. Khu biệt thự ở đường Cô Giang thì được xây theo phong cách kiến trúc miền đông nam nước Pháp, nhìn bề ngoài có dáng vẻ một góc lâu đài, mái dốc. Khu biệt thự cuối đường Quang Trung lại có kiến trúc kiểu biệt thự vùng miền nam nước Pháp, với mặt tiền xây uốn hình cung, mái lợp ngói và gần sát mái có đường viền bằng ngói uốn, sàn gỗ, phòng rộng…

Và đặc điểm chung, những công trình biệt thự này luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn thoáng ra cảnh quan thị giác. Các kiểu kiến trúc bốn địa phương, vùng miền nước Pháp ở Đà Lạt "lệch pha" về thời gian so với kiến trúc đương thời ở Pháp, phản ánh tâm trạng "hoài hương" của chủ nhân.

Đà Lạt mang dấu ấn phong cách và ngôn ngữ kiến trúc Pháp khá rõ. Nhưng ngược lại, các nhà kiến trúc này cũng chịu ảnh hưởng của Đà Lạt. Đó là sự giao thoa tự nhiên. Những kiến trúc ở thành phố cao nguyên được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo thành kiểu kiến trúc độc đáo, đậm bản sắc.

"Các công trình kiến trúc ở Đà Lạt, dù thuộc các thể loại và xây dựng ở các thời kỳ, đều được kết nối bởi một tỷ lệ xích công trình và không gian tinh tế. Nhờ đó mà ngự ở đây sự nhất thể hóa hiếm có, hầu như không có những công trình đứng ra ngoài, thách thức hệ tế bào đô thị", Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho biết.