Sự kết hợp hài hòa giữa nhiều loại nguyên liệu khiến “Chẹ Giâm” để lại ấn tượng khó phai ngay từ lần đầu nếm thử.
Theo già Bloong Vẻ ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, một trong những nguyên liệu chính làm nên món “Chẹ Giâm” chính là xương. Có thể là xương bò, xương trâu, xương heo (lợn)… Tuy nhiên, để món ăn ngon và không bị pha tạp vị, người nấu chỉ nên dùng xương của một loại động vật để chế biến. Thông thường người ta sẽ chọn phần xương đùi, sườn và giò.
Sau khi lựa được những nguyên liệu ưng ý, già Bloong Vẻ chậm rãi mang về nhà rửa sạch sẽ, để ráo nước. Tiếp đến, già bỏ tất cả vào trong chiếc nồi đất, rồi đổ nước lấp xấp đến lưng thành nồi. Nhóm lò bếp củi ngay giữa căn nhà sàn, bắc chiếc nồi lên rồi già giải thích: “Mình cứ để liu riu lửa, đun đến khi có nước ngọt vị xương, còn thịt mềm là được.
Thế là đã chuẩn bị xong phần nước dùng”. Công đoạn tiếp theo là ngâm gạo trong nước khoảng 30 phút cho đến khi gạo nở ra (có thể sử dụng gạo tẻ hoặc gạo nếp), rồi cho vào cối giã. Gạo khi giã xong, được cho qua ray để sàng lấy bột mịn. Những hạt gạo còn sót lại trên ray sẽ tiếp tục đổ vô cối giã cho đến khi tất cả số gạo ngâm được giã hết mới thôi. Tiếp đến lấy nước đã ngâm gạo để đổ vào bột, rồi khuấy đều nước và bột gạo. Cứ thế, thao tác cho đến khi bột trở thành một hỗn hợp nước gạo mầu trắng đục, sánh tựa sắn dây.
Đôi tay vừa thoăn thoắt giã gạo, già Bloong Vẻ kể chuyện: Từ thời xưa, gạo là biểu tượng của sự sống, là cái no đủ của cả làng. Chính vì vậy, người Giẻ Triêng quý hạt gạo lắm. Cũng vì thế mà mỗi khi người Giẻ Triêng có cưới xin, nhà gái sẽ giã gạo (khoảng 1 tạ gạo), để làm của hồi môn mang sang nhà trai. Gạo giã càng mịn, càng nhuyễn bao nhiêu, thì sẽ thể hiện lòng thành, sự đảm đang của cô dâu bấy nhiêu. Sau khi đám cưới, cô dâu phân gạo đã giã nhuyễn ra thành những bì nhỏ rồi phát cho họ hàng nhà trai mỗi người một ít. Họ sẽ mang về chế thành “Chẹ Giâm”, hoặc một số món ăn khác để phục vụ ăn uống, sinh hoạt trong gia đình.
Hỗn hợp nước gạo được mang đến chiếc nồi đất đang bắc trên giàn bếp, đổ khoảng một phần tư tô, đồng thời cho thêm bí đỏ, bí xanh đã chuẩn bị sẵn từ trước, đảo đều nước gạo với rau củ trong nồi, không được ngơi tay cho đến khi sôi. Đến khi cảm giác được hỗn hợp trong nồi đã nhuyễn, không bị vón cục thì tiếp tục đổ thêm nước gạo.
Cứ như thế cho đến khi hết phần nước gạo. Trong lúc đảo, người nấu phải luôn để ý về độ đặc, lỏng của hỗn hợp trong nồi. Nếu cảm thấy nồi bị cạn, gạo quá đặc, thì phải đổ thêm nước sôi vào. Không được chế nước lạnh trực tiếp, vì như vậy sẽ làm “Chẹ Giâm” mất ngon và bột gạo bị vón cục. Khi món ăn sắp sửa hoàn thành, thì xắt nhỏ lá sả và rắc thêm tiêu rừng vào nồi, đảo đều chừng 10 phút là hoàn thành món ăn.
Theo lời kể của những người già, người Giẻ Triêng chỉ dùng chiếc máng “lồ ô” để ăn món này. Người này chuyền tay người kia, mỗi người dùng một ít, cứ như vậy xoay vòng. Cách ăn này hình thành do ngày xưa còn đói ăn, mỗi người một chén thì không đủ cho tất cả, nên phải luân phiên. Nhưng cũng vì khó khăn, thiếu thốn phải san sẻ nhau từng miếng ăn, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết của mọi người lại được thắt chặt thêm.
Theo già Bloong Vẻ, những ngày đầu xây dựng buôn làng, cái ăn còn thiếu cho nên để bà con được no cái bụng, “Chẹ Giâm” đã ra đời. Dù mang ý nghĩa là chống đói, nhưng chính hương vị thơm ngon của món ăn đã trở nên cuốn hút đối với mọi người. Dần dà, khi cái ăn, cái uống đã đủ đầy, nhưng “Chẹ Giâm” vẫn xuất hiện trên mâm cơm và trở thành một món ăn truyền thống không thể thiếu của người Giẻ Triêng.