“Lắng nghe” cảm xúc người dân trên mạng xã hội

Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến người dân về hoạt động của chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội (Social Beat). Công cụ này được kỳ vọng giúp thành phố hiểu rõ người dân hơn, có giải pháp hoạch định và thực thi chính sách phù hợp mong muốn chính đáng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”.

Phân tích dữ liệu mạng xã hội thông minh, hiệu quả

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, phần mềm Social Beat có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác theo thời gian thực.

Đồng thời, phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý.

Từ việc phát hiện xu hướng, diễn tiến thông tin đến nhận diện tâm trạng và cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực, trung lập và tiêu cực; phần mềm cung cấp những phân tích sâu sắc cho từng vấn đề muốn thu thập và phân tích giúp người dùng hiểu rõ hơn về đối tượng, nội dung thông tin mà họ quan tâm.

Social Beat cũng cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt, đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu.

Từ báo cáo tổng quan đến phân tích chi tiết, người dùng có thể tùy chỉnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng đơn vị khai thác, phù hợp nhiệm vụ được giao.

Trưởng phòng Thông tin điện tử (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố) Nguyễn Thanh Hòa cho biết:

“Phần mềm lắng nghe mạng xã hội được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận, hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế. Đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó, xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn. Thông tin thu thập được trên internet về thành phố là nguồn tư liệu quan trọng, có thể xem đây là tiếng nói và mong muốn của người dân đối với chính quyền thành phố. Từ đó, chính quyền có các đề xuất tối ưu hóa chiến lược, định hướng phát triển kinh tế-xã hội phù hợp nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân. Đây cũng là phần mềm giúp lãnh đạo thành phố nắm bắt nhanh nhất diễn biến về các lĩnh vực, hoạt động của chính quyền cơ sở được người dân phản ảnh trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, phần mềm có thể giúp các tổ chức quản lý, định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi, phân tích các trào lưu, ý kiến, cảm xúc trên mạng xã hội, nhất là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá lợi dụng mạng xã hội và nền tảng internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách. Phần mềm lắng nghe mạng xã hội được ứng dụng AI và nhiều nền tảng khác có khả năng tìm kiếm sâu, rộng và nhanh chóng nhiều vấn đề được quan tâm trên không gian mạng, không chỉ văn bản mà còn hình ảnh, giọng nói và các nguồn tin khác. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ sớm có các cơ sở để nhận diện được luồng dư luận và ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin xấu, độc.

Giúp tối ưu hóa chính sách phát triển phù hợp

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng cho biết: Thành phố hiện có hơn 10 triệu dân, nhưng có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, hơn 200 cơ quan báo chí, 355 mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn có người sáng tạo nội dung trên mạng (KOL) lớn nhất cả nước. Từ nguồn thông tin khổng lồ này tổng hợp thành nguồn dữ liệu để hiểu cuộc sống người dân, tham mưu cho công tác hoạch định và thực thi chính sách cho thành phố là hết sức quan trọng.

Theo ông Thắng, thực tế cuộc sống của người dân thành phố đã dịch chuyển lên mạng xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn đặt yêu cầu phải lắng nghe, hiểu được ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của người dân trong quá trình thực thi chính sách hằng ngày, đặc biệt là khi thành phố ban hành, hoạch định các chính sách, chủ trương.

Mỗi tuần, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhận không dưới 10 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan hoạt động trên internet. Điều này đặt ra yêu cầu phải thu thập, đánh giá và phân tích cho được thông tin trên mạng để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố.

“Công cụ lắng nghe mạng xã hội ra đời giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Thí dụ, trong tám ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hệ thống đã ghi nhận 65% số lượt thông tin về thành phố là tích cực, 25% trung lập và 10% tiêu cực. Từ đó, thành phố có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp” - ông Lâm Đình Thắng thông tin thêm.

Tại hội nghị ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và Đoàn Luật sư thành phố đã ký biên bản ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân, doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Sự kiện hợp tác này nhằm thúc đẩy các hoạt động giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về quy định pháp luật trên internet liên quan thông tin và truyền thông, giúp bảo vệ người dân, doanh nghiệp tránh được những rủi ro trên mạng xã hội.