Bước qua cổng làng xây theo kiểu truyền thống, khách tham quan được đặt chân vào "phố lụa" với những rực rỡ sắc mầu lụa Vạn Phúc. Để phục vụ cho Tuần Văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc, các tuyến phố từ cổng cho đến đình làng được tổ chức thành không gian sắp đặt nghệ thuật, đi bộ. Các gian hàng được bài trí lại đẹp mắt. Phía trên các đường đi, Ban tổ chức kết những chiếc ô trang trí nhiều mầu sắc, ánh sáng lọt qua những chiếc ô, phản chiếu lên lụa càng khiến không gian thêm rực rỡ. Ngoài trưng bày vải lụa, các loại trang phục, phụ kiện dệt lụa, Ban tổ chức còn giới thiệu quy trình làm ra tấm lụa, từ se tơ, dệt vải cho đến những công đoạn khác. Cuối tuyến "phố lụa", là khu vực "chợ quê" với nhiều món ăn cổ truyền hấp dẫn. Ngoài ra, khách tham quan còn thường xuyên được thưởng thức các tiết mục âm nhạc truyền thống. Cách không gian chính dành cho giới thiệu các sản phẩm lụa vài trăm mét, khu vực chợ sinh vật cảnh, chợ đồ xưa cũng được trang trí lại để phục vụ khách tham quan.
Diễn ra trong một tuần (từ ngày 8 đến 14-11), Tuần Văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Chị Lê Minh Thu ở phố Nhân Hòa (quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi và bạn bè rất ngạc nhiên khi đến làng lụa Vạn Phúc. Không gian khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm lụa rất hấp dẫn. Tôi cho rằng, các làng nghề nên thường xuyên tổ chức những hoạt động thế này để tạo không gian văn hóa cho mọi người".
Vạn Phúc là làng lụa có tuổi đời khoảng 1000 năm. Hiện phường có 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình đều hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vạn Phúc từng có khoảng thời gian lao đao vì nhu cầu mặt hàng này đi xuống, một số hộ kinh doanh lụa không rõ nguồn gốc. Song, những năm trở lại đây, lụa Vạn Phúc trở lại thị trường mạnh mẽ, thu hút khách du lịch. Có được điều này chính là nhờ chính quyền, nhân dân Vạn Phúc chủ động đổi mới cách làm. Tuần Văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc là một trong những hoạt động tiêu biểu.
Với nhiều hoạt động quy mô, cách tổ chức bài bản, ít ai ngờ rằng, Tuần Văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc lại do... cấp phường chủ trì. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vạn Phúc Kiều Thanh Hải cho biết: "Với mục đích quảng bá làng nghề, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, năm 2013, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Tuần Văn hóa du lịch - thương mại làng nghề. Từ đó, Tuần Văn hóa du lịch - thương mại của Vạn Phúc trở thành hoạt động hằng năm. Hoạt động này được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, cho nên phần lớn kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa. Các hộ kinh doanh và nhân dân trong phường ủng hộ hơn 500 triệu đồng, UBND quận Hà Đông hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, UBND phường chủ yếu chịu trách nhiệm công tác tổ chức, giữ gìn an ninh trật tự và chi một phần kinh phí. Cái lợi thu được từ việc tổ chức hoạt động này rất lớn".
Ngoài các hoạt động liên quan đến nghề dệt lụa cổ truyền, địa bàn phường Vạn Phúc còn có hai "sản phẩm" văn hóa độc đáo là chợ sinh vật cảnh và chợ đồ xưa. Trước đây, tại Hà Đông thường có chợ sinh vật cảnh tự phát ven sông Nhuệ. Để bảo đảm trật tự văn minh đô thị, chợ tạm được giải tỏa và di dời về địa bàn phường Vạn Phúc. Nắm bắt được xu thế xã hội, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc đã tạo điều kiện để phát triển nơi đây thành chợ sinh vật cảnh ổn định từ năm 2010. Từ đó đến nay, chợ cây cảnh Vạn Phúc là một trong những trung tâm kinh doanh cây cảnh lớn nhất Hà Nội, với đủ loại cây cảnh cao cấp, các loại phong lan, cây cảnh bình dân phục vụ trang trí đô thị... Tại đây, ngoài các hộ kinh doanh cố định, vào những ngày chợ phiên họp vào mồng 5, 10, 15, 20, 25, 30 (âm lịch) và dịp cuối tuần, người mua bán cây cảnh ở Hà Nội và các tỉnh đổ đến.
Từ năm 2014, UBND quận Hà Đông cho phép chợ phiên đồ xưa đi vào hoạt động. Vốn là vùng đất cổ, chợ sinh vật cảnh, chợ đồ xưa rất ăn nhập với không gian của Vạn Phúc. Từ tháng 6-2018, phường Vạn Phúc đã thí điểm hoạt động đi bộ vào dịp cuối tuần ở Phố Lụa, khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ xưa. Các hoạt động này đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến Vạn Phúc nói riêng, địa bàn Hà Đông nói chung.
Xã hội, thị trường luôn có những thay đổi, đòi hỏi làng nghề cần đổi mới, không chỉ trong hoạt động sản xuất, thiết kế sản phẩm mà còn phải thay đổi trong kinh doanh, quảng bá, xây dựng thêm những sản phẩm mới. Với những đổi mới mạnh mẽ, làng lụa Vạn Phúc tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn. Đây là nền tảng thuận lợi để Sở Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng và triển khai Quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.