Nặng tình gốm đỏ Vĩnh Long

Vĩnh Long không chỉ là vùng sông nước cây trái quanh năm, mà còn có các làng nghề làm gạch gốm mang vẻ đẹp cổ kính, phủ màu thời gian. Mặc dù có lúc thăng lúc trầm, có những người thấy khó mà bỏ cuộc thì cũng không ít người đã đầu tư tiền tỷ để tạo dựng nét đặc trưng riêng của sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long.
Công viên nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long.

Những công trình mang sắc màu gốm đỏ Vĩnh Long nổi bật được nhiều người biết đến hiện nay phải kể đến: Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long, khu vườn gốm đỏ, quán cà-phê gốm đỏ và độc đáo nhất là căn nhà gốm đỏ đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào tháng 5/2023.

Ðến với vùng lõi của “Di sản đương đại Mang Thít”, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quán cà-phê gốm đỏ của anh Dương Chí Hiền ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít. Quán có 2 tầng nằm nép mình bên dòng kênh Thầy Cai, con kênh gắn liền với hàng trăm lò gạch dọc hai bên bờ; tất cả đều được trang trí bằng gạch và gốm với mầu đỏ tươi đặc trưng. Ðứng ở tầng trên, có thể ngắm nhìn gần như toàn cảnh khu vực với những lò nung nằm liên tiếp nhau thành một dải.

Anh Hiền chia sẻ: “Gia đình có ba đời làm nghề lò gạch cho nên ít nhiều tình yêu với gốm đã thấm sâu vào máu. Hay tin tỉnh xây dựng đề án di sản nghề gạch gốm, gia đình tôi muốn có một cái gì đó làm điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến nơi này. Ý tưởng đã nung nấu từ lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2023 gia đình mới bắt đầu xây dựng quán cà-phê toàn một mầu đỏ của gạch gốm có diện tích hơn 100m2, bốn người thợ cần mẫn xây khoảng bốn tháng trời mới cơ bản hoàn thành. Quán còn có dịch vụ tàu du lịch đưa khách tham quan làng nghề dọc bờ kênh Thầy Cai huyền thoại. Hy vọng đây sẽ là điểm check-in cho du khách mỗi khi đến thăm làng nghề gạch gốm”.

Người nặng tình nhất với gốm đỏ Vĩnh Long là ông Nguyễn Văn Buôi (thường gọi Tư Buôi), ngụ xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Ông Buôi đang sở hữu hai khối nhà gốm đỏ đồ sộ ở phường 5, thành phố Vĩnh Long và một ngôi nhà bằng gốm đỏ 3 gian 2 chái vừa được xác lập Kỷ lục Việt Nam. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng ngôi nhà, ông Tư Buôi cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong làng gốm, chứng kiến nghề truyền thống bị ảnh hưởng bởi thị trường, dần mai một.

Với mong muốn vực dậy làng nghề, giữ lửa truyền thống, tôi đã quyết tâm xây dựng ngôi nhà gốm để con cháu sau này nhớ về “vương quốc đỏ”. Tôi tự tay lên bản vẽ ngôi nhà, tính toán các yếu tố kỹ thuật, phác thảo từng chi tiết mỹ thuật để làm sao cho mọi thứ hòa hợp. Ðặc biệt, tôi ý thức phải “bám” theo văn hóa, lịch sử của vùng đất phương nam nơi mình sinh sống”.

Những năm 80 của thế kỷ 20, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít, hoạt động quanh năm. Nhiều phương tiện chở gạch với số lượng lớn đi khắp nơi để xây dựng các công trình. Người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với nghề, qua bao thế hệ đúc kết thành kỹ thuật nung chỉ bằng lò gạch, nhiên liệu là trấu. Hàng nghìn mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ. Sản phẩm gốm với mầu đỏ đặc trưng từ đất sét tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long mà không nơi nào có được, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, khi đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường thì chi phí sản xuất tăng cao, giá bán sản phẩm thấp, các cơ sở lò gạch gặp nhiều khó khăn cho nên quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước.

Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, giá trị mang lại ước khoảng 400 tỷ đồng/năm. Nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm hiện có, làm điểm nhấn mang tính đột phá, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít”; Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời đề nghị Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết các doanh nghiệp với nhau để thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; đề xuất, kiến nghị giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm thực hiện Phương án ý tưởng Ðồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu di sản đương đại Mang Thít đến năm 2045; đồng thời, cần nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thay vì qua trung gian như trước. Các doanh nghiệp gốm cũng phải tích cực tham gia, tăng cường ứng dụng, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải tiến công nghệ nung gốm bảo đảm an toàn về môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành, tạo ra được sản phẩm có độ tinh xảo cao hơn, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới hướng đến các phân khúc khách hàng mới, phục vụ khách du lịch và thị trường nội địa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.