Trải nghiệm cuối tuần

Làng bánh chưng Tranh Khúc

Sớm tinh mơ, không gian làng Tranh Khúc còn ướt đẫm hơi sương. Mùi nếp thơm lan tỏa khắp xóm. Vợ chồng anh Thanh, chị Quyên lục tục trở dậy chằng buộc thùng bánh chưng, bánh dày lên xe máy. Rời khỏi làng, anh Thanh miệt mài vượt quãng đường đê hơn 10 km, chở bánh lên khu vực phố cổ để kịp giao hàng. Mối quen của anh là các quầy bán giò, chả, kèm bánh chưng, bánh dày ở các phố chung quanh khu chợ Đồng Xuân-Bắc Qua. Mới 40 tuổi, anh Thanh đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề làm bánh.

Gói bánh tại làng bánh chưng Tranh Khúc. Ảnh: MINH HÀ
Gói bánh tại làng bánh chưng Tranh Khúc. Ảnh: MINH HÀ

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nằm ven sông Hồng, mềm mại như một dải lụa với mầu xanh của cây cối, vườn tược. Làng từng hứng chịu trận lũ lịch sử từ những năm 70 của thế kỷ 20, khiến nhiều nhà cửa sụp đổ xuống sông. Giờ bộ mặt miền quê hồi sinh, hơn 80% số hộ dân có cuộc sống khấm khá, đường làng, ngõ xóm thênh thang, sạch sẽ, nhà cao tầng khang trang, ô-tô, xe máy dập dìu. Trưởng thôn Lý Thị Thiệp cho biết, hiện ở thôn Tranh Khúc (gốc) có khoảng 80 hộ chuyên làm bánh chưng; còn ở thôn Tân Hà (được tách ra từ thôn Tranh Khúc) có hơn 100 hộ theo nghề. Chưa kể nhiều người con của làng lập nghiệp phương xa, vẫn đau đáu mang theo nghề “quê cha, đất Tổ” đến nơi ở mới. Từ năm 2008 đến nay, bánh chưng làng Tranh Khúc chính thức được đăng ký thương hiệu, ngày càng mở rộng thị trường.

Ở làng Tranh Khúc, chiếc bánh chưng vuông, bánh dày tròn mang đậm cốt cách giống trong sự tích Lang Liêu, cả về hình dáng, mầu sắc đến hương vị đặc trưng. Để làm ra chiếc bánh chưng thơm ngon là cả sự kỳ công, khéo léo. Trước hết, ở khâu chọn nguyên liệu, gạo nếp cái hoa vàng lấy từ vùng châu thổ sông Hồng; đậu xanh hạt nhỏ, ruột vàng, đậm vị bùi ngậy; thịt lợn quê nửa nạc, nửa mỡ thái miếng dày dặn. Gạo nếp cho vào ngâm, đãi hết trấu, sạn, để ráo nước, rắc chút muối hạt trộn đều. Đỗ ngâm rửa sạch, đồ chín, nắm hình dẹt. Thịt lợn tẩm ướp gia vị, hạt tiêu. Lá dong gói bánh thường là loại lá rừng to bản, bóng đẹp, vừa dễ gói, vừa tạo sắc xanh tự nhiên cho vỏ bánh khi luộc chín.

Sau khi tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng thì đến công đoạn gói bánh. Việc gói bánh thường do những người vững tay nghề đảm nhiệm, bảo đảm chiếc bánh vuông vức, nhân bánh dàn đều không xộc xệch. Ở Tranh Khúc, người thợ gói bánh gần như chẳng bao giờ phải dùng đến khuôn gỗ, nhưng sản phẩm làm ra đều chằn chặn “trăm chiếc như một”. Mùa cao điểm, thợ gói bánh “đắt hàng” vì được nhiều nhà thuê, có người gói được vài trăm chiếc bánh mỗi ngày. Trò chuyện với chúng tôi, bà Đặng Thị Dược, năm nay 83 tuổi, không khỏi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian hơn nửa thế kỷ bền bỉ theo nghề. Ngày xưa làm bánh vất vả bội phần vì mọi việc đều phải làm thủ công. Giống như nhiều phụ nữ khác trong làng, bà vừa giúp chồng làm bánh, vừa rong ruổi đôi quang gánh cuốc bộ khắp các ngả đường để bán bánh.

Bây giờ, người làm bánh đỡ nhọc nhằn hơn. Công đoạn luộc bánh được thay thế từ bếp củi, bếp than sang bếp điện. Mỗi mẻ bánh phải luộc sôi từ tám đến mười tiếng để bánh chín dền. Làng bánh thường nhộn nhịp từ chiều tới đêm khuya. Ai vào việc nấy, người lớn, trẻ nhỏ đều làm việc. Trẻ em phụ giúp việc rửa lá, xén lá, tước lạt giang. Người lớn chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, luộc bánh. Tầm nửa đêm, những mẻ bánh nóng hổi được vớt ra khỏi nồi, xếp ngay ngắn ép ráo nước, để kịp sáng sớm mang đi tiêu thụ. Ngoài bánh chưng, làng Tranh Khúc còn nổi tiếng với bánh dày truyền thống. Nguyên liệu chủ đạo của bánh dày cũng gồm gạo nếp, đỗ xanh. Bánh dày gồm mấy loại: chay, mặn, ngọt thường được làm xong sớm hơn, vì không phải luộc lâu như bánh chưng.

Hãy một lần đặt chân đến làng Tranh Khúc để cảm nhận hết hồn quê làng làm bánh. Dân trong làng bận rộn quanh năm, nhưng thường tất bật nhất vào mùa cưới hỏi, lễ, Tết. Khắp làng trên xóm dưới, xe chở nguyên liệu ra vào nhộn nhịp, người người đi lại rộn ràng. Hương thơm từ nếp, đậu và nồi luộc bánh ngào ngạt bay xa, quấn quyện theo bước chân du khách.