Thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài. Trong đó, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) các hoạt động tri ân diễn ra sôi nổi nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Quận ủy Tây Hồ thăm hỏi gia đình có công với cách mạng trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Lãnh đạo Quận ủy Tây Hồ thăm hỏi gia đình có công với cách mạng trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước, với hơn 800.000 người, trong đó hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 60.000 thương binh, bệnh binh, hơn 80.000 liệt sĩ.

Những năm qua, công tác tri ân người có công và thân nhân các gia đình liệt sĩ là nhiệm vụ được thành phố đặc biệt coi trọng. Trong sáu tháng đầu năm 2024, thành phố đã chi cho công tác ưu đãi người có công số tiền là 1.252 tỷ đồng.

Số tiền nêu trên bao gồm chi trả trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp; chi quà Tết 35 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng.

Điển hình là dịp Tết Giáp Thìn 2024, Hà Nội đã tặng 328.444 suất quà tới người hưởng chính sách ưu đãi, người có công với tổng số tiền gần 257 tỷ đồng; thăm, trao 150 suất quà dành tặng gia đình, cá nhân người có công tiêu biểu với tổng số tiền là 900 triệu đồng…

Những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), các địa phương trên toàn thành phố đều tổ chức các hoạt động tri ân. Ngoài số tiền từ ngân sách, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các quận, huyện đều tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa để triển khai các hoạt động tặng quà, tri ân người có công.

Điển hình như quận Ba Đình vận động được hơn 2 tỷ đồng, quận Nam Từ Liêm vận động được hơn 700 triệu đồng, con số này của quận Hai Bà Trưng là 1,3 tỷ đồng... Số tiền này dùng để tặng quà, xây nhà, tu bổ các công trình tưởng niệm liệt sĩ…

Ngoài hoạt động tặng quà, tri ân tại địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và nhiều quận, huyện còn tổ chức các đoàn dâng hương tại các nghĩa trang, tặng quà tri ân những anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ tại các tỉnh bạn.

Như ở quận Tây Hồ, thời gian qua, hoạt động tri ân người có công được triển khai đồng bộ, bài bản. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) lãnh đạo quận Tây Hồ đã tới thăm, tặng quà 24 gia đình là thân nhân liệt sĩ và thương binh đã tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên.

Trong dịp này, quận đã tổ chức đoàn viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang lịch sử Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) và thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu của huyện Vị Xuyên, với tổng kinh phí lên đến 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và kinh phí từ quỹ đền ơn đáp nghĩa của quận.

Quận Hai Bà Trưng có 1.467 liệt sĩ, 1.341 thương binh, bệnh binh, 360 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, quận tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, nổi bật là xây dựng và sửa chữa nhà cho chín gia đình có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng.

Trong dịp này, quận tổ chức gặp mặt tri ân 447 gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, với tổng kinh phí 441 triệu đồng; tặng quà 9 gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu.

Các phòng, ban, ngành quận nhận phụng dưỡng 8 vợ liệt sĩ cô đơn trên địa bàn, với kinh phí 6 triệu đồng/người/năm; tặng quà 20 thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học tại huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) với số tiền 30 triệu đồng.

Trao đổi về công tác đền ơn, đáp nghĩa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết: “Không phải đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, Hà Nội mới tập trung thực hiện công tác tri ân, mà các hoạt động kỷ niệm đền ơn, đáp nghĩa được triển khai thường xuyên, bền bỉ. Công tác người có công là một nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực để gia đình có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú, hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở, xóa hộ nghèo có thành viên là người có công. Ngoài những chính sách chung, thành phố còn có chính sách đặc thù để triển khai các hoạt động tri ân một cách hiệu quả và mang ý nghĩa thiết thực nhất”.