Sôi nổi Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc

Dù mới diễn ra ở cấp quận, huyện, nhưng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn. Với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long-Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, cuộc thi là một trong những nội dung quan trọng hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
0:00 / 0:00
0:00

Phần lớn các phần thi, bài thi đều xoay quanh những cuốn sách về lịch sử Thăng Long-Hà Nội, qua đó giúp các bạn nhỏ ôn lại truyền thống hào hùng của Thủ đô.

Được phát động từ cuối tháng 4/2024, những ngày này, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Hà Nội đang trong giai đoạn sôi động nhất khi các quận, huyện, thị xã đồng loạt tổ chức vòng chung khảo để chọn ra những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhất thi cấp thành phố. Cuộc thi năm nay gồm có hình thức tập thể và cá nhân, trong đó, phần thi tập thể về tuyên truyền giới thiệu sách luôn sôi nổi nhất.

Mỗi đội sẽ có phần chào hỏi giới thiệu khái quát về địa phương (thành tựu, danh thắng, truyền thống lịch sử, cách mạng văn hóa, danh nhân quê hương...); về hoạt động thư viện, phong trào đọc sách và phần tuyên truyền giới thiệu sách. Các em có thể giới thiệu sách, điểm sách hoặc kể chuyện sách, tập trung vào những cuốn sách viết về Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo, về văn hóa, con người, lịch sử, danh thắng, truyền thống cách mạng... Phần thi “Đại sứ Văn hóa đọc” là nội dung dành cho cá nhân, thí sinh có thể chọn thi theo hình thức hùng biện, hoặc viết bài, làm video clip.

Huyện Thanh Trì là một trong những đơn vị tổ chức cuộc thi chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao khi tất cả các trường trên địa bàn đều tổ chức thi. Sau đó, các xã, thị trấn sẽ chọn ra những tập thể, cá nhân đại diện cho địa phương mình tham gia vòng Chung khảo. Với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, kỹ lưỡng, các học sinh đã thể hiện nhận thức và hiểu biết của mình để giới thiệu tới Cuộc thi những cuốn sách hay, ý nghĩa về Thăng Long-Hà Nội, điển hình như những cuốn sách: “Hà Nội-Dấu xưa, phố cũ”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến”, “Hào khí Thăng Long-Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh”...

Lời giới thiệu cùng hình ảnh sinh động đã đưa độc giả, người xem tham quan một vòng những địa danh nổi tiếng của Thăng Long-Hà Nội, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Em Bùi Phương Linh, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Vĩnh Quỳnh chia sẻ: “Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ giúp em trau dồi kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, con người nước ta, mà còn được giao lưu, làm quen với nhiều bạn mới đến từ các đội thi. Điều này vừa giúp em nâng cao kiến thức lại có thể cải thiện khả năng giao tiếp xã hội”.

Với yêu cầu giới thiệu về quê hương qua phần chào hỏi, các em học sinh có dịp ôn lại truyền thống như văn hóa phố cổ của học sinh quận Hoàn Kiếm, nét đẹp xứ Đoài của học sinh các huyện Thạch Thất, Ba Vì... Các em học sinh huyện Thường Tín thì giới thiệu lại tên gọi Thượng Phúc xưa kia của quê mình, từ đó, hiểu thêm về truyền thống khoa bảng của quê hương để nỗ lực hơn nữa trong học hành.

Trong khi đó, phần thi Tuyên truyền giới thiệu sách lại cho thấy cảm nhận có chiều sâu của các em học sinh về Thủ đô yêu dấu. Nội dung thi viết tuy không sôi nổi như các phần thi trực tiếp trên sân khấu, nhưng cũng tạo sức hút lớn với học sinh. Quận Tây Hồ có tới 36.000 bài thi viết được các em gửi tham gia thi cấp trường, qua đó chọn lọc được hơn 3.000 bài tham gia thi cấp phường và hơn 1.000 bài tham gia thi cấp quận.

Đây là những bài thi xuất sắc nhất viết về di tích, danh thắng Hà Nội; về truyền thống cách mạng, anh hùng, bất khuất, kiên trung trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và về sự hào hoa, lịch thiệp trong cách ứng xử của những người con Hà Nội. Quận Ba Đình có 100% số học sinh tham gia dưới các hình thức khác nhau, đông đảo nhất cũng chính là phần thi viết với hàng nghìn bài viết có chất lượng.

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội được tổ chức hằng năm nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với bạn đọc lứa tuổi thanh niên, thiếu nhi. Cuộc thi khẳng định những giá trị của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực của người Việt Nam, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin và tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập.

Dù mới diễn ra ở cấp quận, huyện, nhưng chưa năm nào Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sôi nổi, hấp dẫn như năm nay, hứa hẹn cuộc thi cấp thành phố sẽ còn hấp dẫn hơn nữa, qua đó, lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc, lan tỏa truyền thống văn hiến - Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội.