Từng bước giải quyết hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng

Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, ngành giao thông Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực, nhất là việc giải quyết một số nhiệm vụ lâu nay vẫn được coi là khó khăn, hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt tại Hà Nội thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt tại Hà Nội thời gian qua đã phát huy hiệu quả.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội vừa tiếp tục mở rộng thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên 10 tuyến buýt do Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang khai thác với 140 phương tiện.

Như vậy, đến thời điểm này, tổng số tuyến thí điểm hệ thống vé điện tử là 25 tuyến (gồm 24 tuyến xe buýt thường và một tuyến buýt nhanh BRT); tổng số vé điện tử đã phát hành là hơn 18.362 thẻ; tổng lượng hành khách sử dụng vé điện tử là gần 10 triệu lượt.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.

Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện, còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Đây cũng là một trong những “đầu việc” quan trọng mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội bước đầu triển khai hiệu quả để cụ thể hóa Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, Đảng ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời ban hành văn bản, kế hoạch chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến các chi bộ, phòng, ban, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở để tổ chức thực hiện Chỉ thị; qua đó làm thay đổi nhận thức, chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động các cấp ủy, chi bộ và hệ thống chính trị của Sở về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo từng lĩnh vực, chuyên môn.

Đảng ủy cơ quan Sở đã quan tâm kiểm tra, giám sát, trong đó, năm 2024 đưa nội dung kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội vào chương trình kiểm tra, giám sát đối với năm tổ chức đảng thực hiện trong quý II và quý III, đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công vụ việc thực hiện.

Việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ cũng được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ bản bài bản và công khai.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ được Sở quan tâm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, điều hành giao thông của thành phố. Bộ phận một cửa của Sở thực hiện phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính.

Sở đã triển khai ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội áp dụng đối với thẻ vé tháng (một tuyến và liên tuyến) và thẻ miễn phí đi xe buýt từ ngày 1/4/2024; điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động 5 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp điều chỉnh tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến.

Đơn vị cũng thực hiện chia sẻ dữ liệu các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe ứng dụng giải pháp công nghệ thu phí dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 61 điểm thuộc tám quận, huyện lên ứng dụng “Công dân Thủ đô số-iHanoi” của thành phố.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU còn một số bất cập, hạn chế như công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ còn hạn chế, chưa quyết liệt, dẫn tới còn có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý thức, trách nhiệm chưa cao.

Một số nhiệm vụ còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ; tình trạng xe dù, bến cóc, xe quá khổ, quá tải chưa được xử lý dứt điểm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã được tăng cường, tuy nhiên có nơi, có lúc còn chưa kịp thời, chưa quyết liệt.

Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng còn thấp, chưa bảo đảm chỉ tiêu đề ra; tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp…

Tại buổi kiểm tra về kết quả thực hiện Chỉ thị số 24 mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, thành phố Hà Nội có quy mô phát triển đặc biệt. Sở phải nhận thấy những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức trong vấn đề mật độ dân số; số lượng phương tiện giao thông gia tăng...

Một số chỉ tiêu như bố trí luồng, tuyến xe buýt đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; thực hiện tiêu chí giao thông xanh, sạch; giao thông tĩnh; cơ chế thực hiện triển khai bãi đỗ xe ngầm, nổi… đều phải thực hiện rà soát lại kỹ lưỡng để triển khai hiệu quả hơn.

Muốn vậy, Sở phải đẩy mạnh thực hiện chỉ thị quan trọng này của Thành ủy; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nhất là người đứng đầu bởi đây là nội dung mấu chốt, quan trọng trong thực thi công vụ.