Về hiệu lực thi hành quy định tại Điều 53, những trường hợp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 bao gồm: Việc quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19; Việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7 Điều 21; Việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23; Việc thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25; Việc thực hiện hợp đồng xây dựng-chuyển giao quy định tại Điều 40.
Một số Luật và Nghị quyết sau sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, gồm: Luật Thủ đô số 25/2012/QH13, Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8/4/2021 của Quốc hội thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Quy định chuyển tiếp quy định tại Điều 54 của Luật Thủ đô 2024 liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là công tác cán bộ; dự án đầu tư; di dời trụ sở; lĩnh vực khoa học-công nghệ; hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án… Đặc biệt, các chủ đầu tư của các công trình có phần ngầm cần lưu ý đến thời điểm khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại hoặc điều chỉnh giấy phép.
Theo đó, đối với cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện để tiếp tục làm việc tại vị trí đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với văn bản do hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân phường ban hành trước ngày 1/7/2021 nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
Đối với cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện việc di dời trụ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và điểm b khoản 3 Điều 15 của Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 đã hoàn thành đầu tư xây dựng tại địa điểm mới mà chưa bàn giao quỹ đất tại địa điểm phải di dời cho Ủy ban nhân dân thành phố, thì phải thực hiện bàn giao trước ngày 31/12/2025 để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này.
Cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện việc di dời theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và điểm b khoản 3 Điều 15 của Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án di dời, phương án sử dụng quỹ đất sau di dời trước ngày Luật Thủ đô 2024 được thông qua thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Kể từ ngày Luật Thủ đô 2024 được thông qua, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện việc di dời theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và điểm b khoản 3 Điều 15 của Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án di dời, phương án sử dụng quỹ đất sau di dời thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô 2024.
Quy định về công trình ngầm là vấn đề được đặc biệt quan tâm từ khi xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô. Theo quy định về xử lý chuyển tiếp, các công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã được xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng trước ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành thì không phải làm thủ tục xin cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Thủ đô 2024.
Việc cải tạo, xây dựng lại công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã có; điều chỉnh giấy phép xây dựng làm thay đổi việc sử dụng không gian ngầm sau ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành phải được cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Luật này.
Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách thành phố và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô; chương trình, dự án trọng điểm về liên kết, phát triển vùng được phê duyệt hoặc ký hợp đồng trước ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành mà chưa được nghiệm thu, hoàn thành thì được áp dụng các quy định của Luật Thủ đô 2024.
Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, các bên tham gia hợp đồng có trách nhiệm bổ sung hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để thể hiện nội dung liên quan đến việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật.