Tháo gỡ nút thắt trong quản lý, xây dựng chợ

Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (Nghị định số 60).
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Hôm-Đức Viên, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh TUỆ NGHI)
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Hôm-Đức Viên, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh TUỆ NGHI)

Đây là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội tháo gỡ những “nút thắt”, xây dựng mạng lưới chợ văn minh, hiệu quả hơn.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 455 chợ, gồm 15 chợ hạng 1; 59 chợ hạng 2; 350 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng; trong đó có hai chợ đầu mối là chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía nam và năm chợ đang hoạt động có tính chất như chợ đầu mối (chợ rau hoa quả Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ; chợ Nành bán vải vóc-quần áo, chợ hoa Quảng An).

Theo Sở Công thương thành phố Hà Nội, trong giai đoạn vừa qua, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế; công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhiều địa phương có nguồn ngân sách nhưng không đầu tư được, trong khi chợ rất khó thu hút vốn xã hội hóa.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương thành phố Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Nghị định số 60 đã cập nhật các quy định hiện hành về đầu tư, đất đai, đấu thầu, tài sản công, đầu tư công... với nhiều điểm mới, góp phần tháo gỡ một số bất cập hiện nay. Cụ thể, Nghị định số 60 đã tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong đầu tư xây dựng chợ bằng nguồn ngân sách (đầu tư công) cho tất cả các chợ hạng 1, hạng 2, hạng 3.

Trước đây, các nghị định về quản lý và phát triển chợ quy định vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ được đầu tư đối với một số loại chợ và tại một số địa bàn nhất định; thí dụ vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm, chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thành phố Hà Nội là địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách, có nhu cầu cấp thiết để đầu tư nâng cấp cải tạo chợ thì lại bị vướng theo quy định tại các nghị định trước đây (về địa bàn, đối tượng đầu tư). Điều này dẫn tới các chợ trên địa bàn Thủ đô do Nhà nước đầu tư đã xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, nhưng không đầu tư được từ ngân sách nhà nước, lại không thu hút được xã hội hóa.

“Do đó, khi Nghị định số 60 cho phép địa phương “chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn” đã tháo gỡ cho các địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển chợ. Như vậy, Hà Nội sẽ được chủ động sử dụng nguồn vốn cho đầu tư, phát triển chợ, tạo môi trường, điều kiện kinh doanh tốt hơn” - Phó Giám đốc Nguyễn Kiều Oanh nhận định.

Triển khai Nghị định số 60, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Công thương, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, nắm rõ để thực thi, thay thế các quy định cũ. Tuy nhiên, bên cạnh những nút thắt đã được tháo gỡ thì việc triển khai Nghị định vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay còn khó khăn trong việc xác định cơ quan thường trực quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ (ngành Công thương hay ngành Tài chính).

Theo quy định của Nghị định mới và thực tế hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp xã là một trong các trường hợp được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ là cơ quan đứng ra thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, tuy nhiên, lại không được xuất hóa đơn theo quy định của Luật Giá...

Mục tiêu là phục vụ nhu cầu dân sinh cho nên việc đầu tư kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả không cao, khó thu hút được nguồn lực xã hội hóa. Với những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý cũng không đủ khả năng duy trì, nâng cấp, cải tạo chợ, trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh doanh, khai thác chợ là rất cần thiết. Vì vậy, Sở Công thương Hà Nội đề nghị các Bộ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ... đồng thời, có chế tài xử phạt vi phạm tại các chợ hoạt động không bảo đảm theo quy định.