Giảm “độ vênh” giữa đào tạo nghề với thị trường việc làm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, công tác đào tạo nghề vẫn vượt chỉ tiêu, nhưng công tác giải quyết việc làm chưa đạt hiệu quả như mong đợi, vẫn còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, còn khoảng trống nhân lực đối với những lĩnh vực được xác định là mũi nhọn của tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên Trường trung cấp Bách nghệ Hà Nội thực hành tay nghề được học tại trường. (Ảnh MỸ HÀ)
Học viên Trường trung cấp Bách nghệ Hà Nội thực hành tay nghề được học tại trường. (Ảnh MỸ HÀ)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020-2023 của thành phố vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại các quận, huyện, thị xã và gần đây nhất là ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy, đông đảo cử tri mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội” tổ chức vào tháng 6/2024, đại biểu Đoàn Việt Cường (huyện Đông Anh) nêu, quá trình đô thị hóa đã thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị để tìm việc làm, dẫn đến khu vực nông thôn bị thiếu lao động.

Vì thế, cần có các giải pháp khuyến khích, giữ chân lao động nông thôn ở lại, để họ được tham gia đào tạo, thực hành để giữ nghề và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cử tri Nguyễn Văn Kiên (quận Ba Đình) cho rằng, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đã diễn ra từ lâu, vì thế cần có giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thợ lành nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề.

Cử tri Trần Quang Hưng (quận Hai Bà Trưng) nêu vấn đề, ngành bán dẫn toàn cầu có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng chất lượng yêu cầu cao, thành phố nhìn nhận vấn đề này thế nào và có những hành động gì trong thời gian tới?

Đánh giá về những vấn đề tồn tại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà cho rằng, việc tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông còn nhiều bất cập do nhu cầu và mong muốn của phần lớn các gia đình và học sinh lựa chọn vào đại học.

Vì vậy, để thay đổi tâm lý coi trọng bằng cấp, lựa chọn học nghề của hầu hết người dân và học sinh không dễ. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm chủ yếu tuyển lao động phổ thông, trong khi nhu cầu của người lao động trên địa bàn lại có nguyện vọng ứng tuyển các vị trí việc làm có trình độ cao hơn.

Lao động là người khuyết tật, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động sau cai nghiện ma túy còn chưa xác định rõ tư tưởng, nguyện vọng tìm việc phần nào gây khó khăn cho công tác định hướng, tư vấn giới thiệu việc làm.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu ngành lao động còn thiếu, chưa đồng bộ.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phân tích, dự báo và tổng hợp nhu cầu lao động còn hạn chế; chưa có phần mềm quản lý điều hành phục vụ công tác phỏng vấn online, lưu trữ cơ sở dữ liệu, kết nối tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp..., do vậy chưa có công cụ đánh giá kịp thời, chính xác nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động.

Hiện nay, mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thấp hơn rất nhiều so với quy định giá dịch vụ đào tạo đã được Hội đồng nhân dân thành phố ban hành tại Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023.

Nếu thành phố thực hiện mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương, phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ đào tạo và mức hỗ trợ sẽ rất cao, người học phải tự bù phần chênh lệch này, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ.

Về giải pháp đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà cho biết, đối với công tác đào tạo nghề, thành phố tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để chủ động tham mưu với Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đặc thù của Thủ đô.