Làn đường riêng - yếu tố quyết định hiệu quả của xe buýt

Bên cạnh những điều kiện quan trọng như: trợ giá, nhân lực, cơ chế, chính sách ưu đãi, xe buýt Hà Nội cần một yếu tố mang tính quyết định khác nhằm nâng cao hiệu quả. Đó là xây dựng làn đường riêng bởi càng có nhiều không gian ưu tiên, năng lực vận chuyển, đáp ứng nhu cầu hành khách của xe buýt sẽ càng được tăng cường rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Buýt nhanh vận hành trên tuyến đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Công Nhất)
Buýt nhanh vận hành trên tuyến đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Công Nhất)

Hạn chế năng lực vì ùn tắc

Vốn là loại phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực nhắm đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, xe buýt được Hà Nội ưu tiên phát triển với rất nhiều chính sách lớn.

Cách đây 3 năm, Thành phố ban hành Nghị quyết số 7/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND Thành phố về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô-tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

Theo đó, Thành phố có những ưu đãi về thuế, phí, bến bãi, hạ tầng…

Song, xe buýt Thủ đô vẫn chưa thật sự thu hút hành khách, mà một trong những nguyên nhân chính là do chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian đi lại của người dân.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Hà Nội hiện có một số đoạn tuyến tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt như đường Yên Phụ, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, nhưng manh mún, nhỏ lẻ.

Có thể nói, ngoài tuyến BRT 01 Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa, xe buýt Hà Nội hầu như không có làn đường dành riêng đúng nghĩa nào. Ngay cả làn riêng cho xe buýt BRT cũng thường xuyên bị xâm phạm, chen lấn bởi phương tiện cá nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định, thực tế là xe buýt đang phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, chịu mọi áp lực về ùn tắc, lại có lộ trình dừng đỗ đón trả khách theo điểm nên thời gian hành trình chưa đáp ứng được mong muốn của hành khách.

Mặt khác, xe buýt mỗi lần ra vào điểm dừng, đặc biệt trong giờ cao điểm còn xung đột với các phương tiện lưu thông chung quanh, vừa gặp khó khăn, vừa gây ảnh hưởng ít nhiều đến giao thông chung. Có thể nói, thiếu làn đường riêng, xe buýt không thể phát huy tối đa hiệu quả, khó lòng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội chia sẻ, xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng, được kỳ vọng góp phần hạn chế sự gia tăng và việc sử dụng phương tiện cá nhân, qua đó, kéo giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Nên việc thiếu làn đường riêng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của xe buýt, mà còn khiến thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chậm thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường của thành phố.

Có thể thấy, trên thực tế năng lực của vận tải hành khách công cộng Thủ đô đã đáp ứng được hơn 30% nhu cầu đi lại, nhưng hiện mới chỉ thu hút được 15% số lượng người dân tham gia.

Chính do thiếu làn đường riêng dẫn đến thời gian mỗi chuyến đi quá dài, nên xe buýt chưa đủ sức hấp dẫn với bộ phận không nhỏ người dân.

Cần quyết sách mạnh mẽ

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông phải hạn chế được xe cá nhân và có mạng lưới vận tải hành khách công cộng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại. Nhưng muốn loại hình này phát triển thì phải có các điều kiện ưu tiên, nhất là hạ tầng dành riêng.

Nhiều ý kiến mong muốn vận tải hành khách công cộng phải phát triển trước rồi mới giảm xe cá nhân, tuy nhiên khi ưu tiên cho xe buýt đường riêng thì lại không đồng thuận. Mâu thuẫn đó đã tồn tại lâu nay và rất cần chính quyền thành phố Hà Nội có quyết sách để khắc phục càng sớm càng tốt.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội, để xe buýt bảo đảm tiêu chí vận hành nhanh và đúng giờ, thì chỉ có giải pháp là làm tuyến đường dành riêng cho xe buýt.

Trong xu thế hiện nay, Hà Nội cũng có những chỉ đạo rất quyết liệt để việc tham gia giao thông được thuận tiện, giảm ùn tắc giao thông, trong đó có việc mở làn riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng khu vực để đề xuất một lộ trình thận trọng cho việc lựa chọn, chuẩn bị khai thác làn riêng cho xe buýt trên 14 tuyến đường.

Không có bài toán chung nào đối với tất cả các tuyến đường có làn riêng cho xe buýt, mà theo thực tế sẽ có tuyến làn đường riêng nằm sát lề đường, có thể có tuyến nằm giữa tâm đường.

Để phát triển bền vững, Hà Nội cần một giao thông đô thị sống động và an toàn. Sống động nghĩa là mọi người đều được đi lại thuận tiện kể cả người già, người khuyết tật.

“Chúng tôi cho rằng, chỉ giao thông công cộng mới có thể làm được điều đó. Đến một lúc nào đó, chúng ta không có điều kiện mở thêm đường nữa thì chỉ còn tổ chức giao thông công cộng là giải quyết được vấn đề ùn tắc. Nó không chỉ mang lại hiệu quả cho xã hội, môi trường mà còn tạo ra sự công bằng cho xã hội, bởi vậy cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chừng nào phương tiện cá nhân còn gia tăng như hiện nay, thì Hà Nội còn phải đối mặt với áp lực giao thông ngày càng trầm trọng, xung đột, tai nạn và ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại.

Trong bối cảnh đó, thành phố cần phải có những giải pháp quyết liệt, khoa học, nhanh chóng. Vận tải hành khách công cộng chính là một trong những giải pháp bền vững và lâu dài đối với giao thông đô thị.

Trước mắt, Hà Nội cần nghiên cứu, mạnh dạn thí điểm thêm các tuyến đường có làn dành riêng cho xe buýt, đặc biệt là các tuyến kết nối với đường sắt đô thị.

Sự tương hỗ của các loại hình vận tải hành khách công cộng sẽ đem lại hiệu quả tức thì cho các khu vực có sự hiện diện của cả đường sắt đô thị lẫn xe buýt. Đó chính là điểm đột phá để dần dần mở rộng không gian riêng cho xe buýt tại Hà Nội.