Làm giàu trên vùng đất khó

Sinh sống ở vùng đất khó, những cựu chiến binh ở Quỳ Châu (Nghệ An) tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Tận dụng tiềm năng về rừng, đất rừng, lại được vay vốn với lãi suất ưu đãi hỗ trợ, họ đã tạo nên các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sự lan tỏa vươn lên không chỉ cho các hội viên Hội Cựu chiến binh...
0:00 / 0:00
0:00
Các cựu chiến binh huyện Quỳ Châu trao đổi về cách trồng và phát triển cây hương bài làm nguyên liệu sản xuất hương trầm.
Các cựu chiến binh huyện Quỳ Châu trao đổi về cách trồng và phát triển cây hương bài làm nguyên liệu sản xuất hương trầm.

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Châu, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh người dân tộc Thái Vi Văn Thuyên (sinh năm 1964), ở bản Liên Bận, xã Châu Thắng. Ông Thuyên là một trong những tấm gương cựu chiến binh vượt khó, làm kinh tế giỏi của huyện. Ông Thuyên nhớ lại, đất rừng ở Phá Hau, thuộc tiểu khu 183, xã Châu Thắng chủ yếu là cây lau lách, hoang hóa. Những năm đầu khai hoang, do khô hạn, cây trồng cho năng suất thấp,... lúc đó gia đình ông Thuyên luôn trong cảnh túng thiếu, làm ngày nào mua gạo ăn ngày đó.

Sau nhiều đêm trăn trở, thông qua tư vấn của tổ ủy thác vay vốn Hội Cựu chiến binh, ông Thuyên quyết định vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với vốn của gia đình tập trung đào ao, vừa trữ nước, vừa nuôi cá và cải tạo đất trồng lúa, màu; mở rộng diện tích trồng keo kết hợp chăn nuôi trâu, bò. Sau nhiều năm gắn bó với Phá Hau, đất không phụ lòng người, giờ đây gia đình ông Thuyên đã khá giả hơn khi phát triển được 5 ha ao nuôi cá, trồng 8 ha cây keo, có đàn trâu, bò 20 con, cùng nuôi thêm đàn lợn, gà, vịt bản địa... cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm.

Gia đình cựu chiến binh dân tộc Thái Nguyễn Công Hiếu (sinh năm 1955), vốn trước đây ở xã Châu Hạnh, đã mạnh dạn xin phép địa phương nhận khu đất hoang ở khu vực khe Cày Tò (Châu Hạnh) để khai hoang làm ruộng lúa, trồng keo, và phát triển chăn nuôi. Ban đầu do tập quán sản xuất manh mún, lại chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất dẫn đến thu nhập chưa cao so với công sức của gia đình bỏ ra. Ông Hiếu nhớ lại, cả gia đình tôi lúc đó tập trung vào đây với bao công sức mồ hôi đổ ra nhưng không hiệu quả, nhiều lúc cũng muốn buông.

Nhưng với ý chí chiến thắng trên mặt trận đói nghèo, lại được sự động viên, tư vấn của tổ ủy thác vay vốn Hội Cựu chiến binh xã và cán bộ ngân hàng, gia đình ông vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với số vốn tích cóp và vay mượn thêm để tập trung cho phát triển kinh tế. Ông lần lượt đầu tư máy cày, máy tuốt lúa rồi đến xe vận tải phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ vận chuyển; từng bước nâng cấp chuồng trại và mua thêm con giống phát triển đàn gia súc.

Nhờ có máy móc và kế hoạch làm ăn bài bản, cụ thể cho nên đã giúp gia đình khai hoang, trồng được 4 ha keo, 2 ha mía, lúa và rau các loại cùng 2 ha ao cá. Gia đình đã gây dựng dần đàn bò lên đến 120 con cùng đàn lợn 20 con/lứa và đàn gia cầm. Ngoài ra, ông thuê thêm một số lao động địa phương để phụ giúp chăn nuôi, chăm sóc rau, màu... Với mô hình vườn, ao, chuồng kết hợp trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2023, gia đình ông Hiếu đã thu về 1,3 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Phạm Ngô Quyền (sinh năm 1968), ở khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) vẫn không thể quên những tháng ngày khó khăn sau khi rời quân ngũ. Trở lại mảnh đất Tân Lạc, không có việc làm ổn định, ông đã làm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Rồi cơ duyên đưa ông đến làm chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng rừng. Với con mắt tinh tường, ông Quyền phát hiện thấy phía dưới chân cầu Khe Súng nằm sát trục Quốc lộ 48 có khu vực đất rộng lớn, bằng phẳng, thuận lợi làm trang trại cho nên đã làm đơn xin địa phương cấp để đầu tư.

Được sự hậu thuẫn của gia đình và Hội Cựu chiến binh, ông Quyền đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khai hoang và đầu tư sản xuất. Trên diện tích hơn 4 ha, ông Quyền đã khéo quy hoạch, trồng 3 ha keo kết hợp với nuôi bò; 1 ha trồng lúa, màu và cây hương bài phục vụ nhu cầu làm hương trầm của địa phương; ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích khác trồng cỏ voi phục vụ đàn bò lai.

Nhờ khéo tính toán, kiên trì, chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông Quyền ngày càng khá giả. Ông Quyền chia sẻ: “Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng hệ thống chuồng trại để tiếp tục đầu tư nuôi bò giống lai 3B cùng đàn trâu, dê. Mở rộng một số diện tích cây quế, cây lát hoa và cây xoan nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như độ che phủ cho rừng”.

Đây là ba trong số hơn 10 hộ hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện. Có thể nói, mặc dù sinh sống trên địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ quyết tâm thắng “giặc” đói nghèo, các cựu chiến binh ở đây đã biết tận dụng tiềm năng thế mạnh về đất, rừng, nỗ lực để phát triển kinh tế thông qua các mô hình trồng, bảo vệ rừng; mô hình vườn, ao, chuồng,...

Để tạo điều kiện cho cựu chiến binh có vốn đầu tư cho sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tổ ủy thác vay vốn Hội Cựu chiến binh đã cho hàng nghìn lượt cựu chiến binh vay với số vốn 101 tỷ đồng và các hội viên còn cho vay lẫn nhau với số vốn 652 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nhờ đó, các mô hình sản xuất, kinh doanh do cựu chiến binh làm chủ cơ bản giữ được ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động... Cùng với đó, thông qua các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, Hội Cựu chiến binh huyện đã tuyên truyền cho cán bộ, hội viên biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả, gia tăng đàn gia súc, gia cầm hay tận dụng ao, hồ mặt nước để nuôi cá...

Giờ đây, đời sống của nhiều gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Châu ngày một khấm khá; số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên...; qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho huyện nghèo này.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Châu Lữ Văn Thái cho biết: “Những cựu chiến binh trên địa bàn là những tấm gương sáng trong phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó, vươn lên làm giàu. Nhiều gia đình cựu chiến binh có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình sản xuất đa cây, con kết hợp với dịch vụ. Họ xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương”.