Làm du lịch từ văn hóa bản địa

Trong những trụ cột của du lịch cộng đồng, yếu tố sự tham gia của người dân và lấy giá trị văn hóa ra phục vụ du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Ðà Nẵng), người dân đã và đang xây dựng hướng đi cùng làm du lịch, đồng thời bảo vệ những giá trị văn hóa riêng có của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Hòa Bắc hướng đến phát triển du lịch xanh.
Hòa Bắc hướng đến phát triển du lịch xanh.

Lấy ước mơ làm động lực

Từ đầu năm 2023 đến nay, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đón hàng chục đoàn du khách đến tham quan, học tập. Trong đó, những nhóm du khách quốc tế thường tự di chuyển bằng xe máy hoặc xe đạp đến những khu vực như suối Vũng Bọt, sông Bắc và sông Nam… để cảm nhận nét nguyên sơ nơi đây. Trước khi đến, họ liên hệ đăng ký với các hộ dân Cơ Tu để lưu trú qua đêm, đồng thời cũng thuận tiện cho bà con chuẩn bị các chương trình tiếp đón.

Hiện nay, gia đình ông Bùi Văn Siêng (sinh năm 1951), trú thôn Giàn Bí cùng tham gia vào công đoạn chuẩn bị cơ sở vật chất đón khách. Ông Siêng khẳng định chắc nịch: “Nếu du khách cần nơi ở qua đêm, hai vợ chồng tôi chuyển qua nhà của con tôi ở tạm. Các phòng ngủ trong nhà được dọn dẹp chu tất để khách nghỉ chân”.

Theo đó, những nhu cầu về ẩm thực địa phương, vui chơi văn nghệ của du khách sẽ được các hộ tham gia kinh doanh homestay cung cấp đầy đủ. Ðiều đặc biệt là nhiều hộ gia đình cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công tác chuẩn bị. Nhà này có đàn gà thả vườn, nhà bên cạnh có rổ khoai, rổ ốc, mớ rau rừng… cùng góp lại chế biến chung để khách thưởng thức sản vật địa phương.

Tập thể các hộ kinh doanh du lịch ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí quy ước rằng những đóng góp của từng hộ sẽ được ghi chép, tính toán cẩn thận nhằm bảo đảm giá trị kinh tế được nhận lại tương xứng. Ngày hôm trước gia đình này đón tiếp du khách thì hôm sau đến lượt gia đình kia chuẩn bị, hướng đến mục tiêu hộ gia đình nào cũng có thu nhập ổn định từ du lịch cộng đồng.

Xuất phát là những người dân gắn bó với nghề làm rừng, đi rẫy quanh năm, kể từ khi du lịch cộng đồng xuất hiện, bà con ở Hòa Bắc có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Sự e dè, ngại ngùng khi thấy một chàng trai, cô gái nước ngoài đã không còn. Người dân Cơ Tu quan niệm rằng, du khách đến đây thì cả họ lẫn bà con đều được học hỏi lẫn nhau. “Du khách có nếp sinh hoạt riêng của họ, nơi nghỉ ngơi cho khách cần sự tươm tất, gọn gàng. Mình có món sản vật, câu chuyện văn hóa của mình. Hai bên trao đổi qua lại thêm hiểu biết về nhau”, ông Siêng cho hay.

Từ ngày hệ thống đường giao thông lên xã Hòa Bắc được xây dựng khang trang, bằng phẳng, hình ảnh cả đoàn xe đạp vài chục chiếc nối đuôi nhau xuất hiện thường xuyên hơn. Hòa Bắc mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều điều đổi mới, trong đó có thể thấy rõ câu chuyện những người lớn tuổi, có uy tín trong làng xóm cùng làm du lịch. Chính từ việc đi đầu của những thế hệ lớn tuổi đã thúc đẩy lớp trẻ cùng học tập, nâng cao kinh nghiệm đón khách du lịch. Ðược biết, số lượng những bạn trẻ đầu tư xây dựng mảng du lịch cộng đồng ngày càng tăng qua các năm.

Hướng đến mục tiêu ổn định lâu dài

Hòa Bắc, vùng đất có dòng sông Cu Ðê xanh biếc chảy ngang. Cuộc sống bao đời qua của người dân xứ này với thói quen trồng được cây gì, nuôi con gì đều đem ra bán dọc hai bên đường. Khung cảnh miền quê chất phác, gần gũi được thể hiện rõ nét khi du khách ghé về đây có cơ hội mua được sản vật đúng chất núi rừng Hòa Bắc ngay bên đường làng. Hình ảnh việc giao thương buôn bán giữa người dân làng Nam Ô (quận Liên Chiểu) với cư dân xã Hòa Bắc thông qua dòng sông Cu Ðê xưa được tái hiện qua những câu chuyện do chính người Hòa Bắc truyền tải tạo ra nét riêng có nơi đây.

Chị Ðỗ Thị Huyền Trâm, chủ homestay Nam Yên (thôn Nam Yên) cho biết, từ trước đến nay, bà con vùng quê này chưa nghĩ sẽ có một ngày được học và làm du lịch cộng đồng. Trong hai năm qua, từ những tour du lịch nhí (là các em học sinh) đến hiện nay là những tour du lịch của người lớn thì du lịch học tập là một xu hướng được ưa chuộng. “Giá trị mà chúng tôi hướng đến khi làm du lịch cộng đồng là giữ được rừng núi, nguồn nước và môi trường nơi đây, từ đó phát triển nông nghiệp. Cùng với đó là giữ được văn hóa bản địa cả của người Cơ Tu và người Kinh”, chị Trâm chia sẻ.

Mục tiêu đã được vạch ra, việc giải quyết đem đến kết quả chính từ việc chung tay của cộng đồng, cụ thể là để bà con thấy được những lợi ích họ đạt được khi cùng đồng hành đón khách, đó là lợi ích kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1957), trú thôn Phò Nam là một điển hình làm du lịch hiệu quả từ nghề nông với mô hình vườn ao chuồng.

Trong hai năm qua, những tour du lịch ở homestay của chị Huyền Trâm thường liên kết với ông Hồng để giới thiệu, tạo một nơi học tập nghề nông cho du khách tìm hiểu. Kinh nghiệm trồng trọt các loại cây như cây dừa lùn, khổ qua, mía đường… hay việc lấy nguồn nước từ trong núi để nuôi các loài vật như lợn, cá qua cách dẫn chuyện dí dỏm của ông Hồng đã mở ra hướng đi mới đến giá trị tri thức cộng đồng.

Ðược biết, ông Hồng nhận mức thù lao từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần hướng dẫn đoàn du khách học tập. Niềm hạnh phúc thật sự của người dân Hòa Bắc là từ những hội thảo, dự án học tập do các tổ chức phi chính phủ tổ chức, bà con được nói ra kinh nghiệm sống, việc canh tác nghề nông trong nhiều thế hệ qua họ tích lũy được. Từ đó, hình ảnh một Hòa Bắc năng động, đa màu sắc trở nên gần gũi trong mắt du khách thập phương. Chỉ cách trung tâm TP Ðà Nẵng gần 30km, khoảng cách về với Hòa Bắc ngày càng được rút ngắn, mở ra tương lai kinh tế vùng đất này thêm nhiều khởi sắc.