Kỳ vọng tạo đột phá trong công tác quy hoạch

Cùng với việc thành phố Hà Nội đang tập trung hoàn thiện hai bản quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; quy định phân quyền cho Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác lập, quản lý và triển khai quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm hiểu quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng.
Người dân tìm hiểu quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị… xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.

Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012, công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, công tác điều chỉnh quy hoạch, công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn nhiều vướng mắc, do bất cập về pháp luật. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án tuyến đường, chưa bảo đảm tính khả thi, dẫn đến tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng chưa đạt kế hoạch. Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông vận tải chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, sự gia tăng dân số cơ học và tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân.

Công tác đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch còn hạn chế, nhất là xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, trạm xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp, làng nghề... còn chậm tiến độ.

Nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra quy định, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo luật cũng đề xuất, để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại khoản 3 Điều 19, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc điều chỉnh cục bộ.

Các chuyên gia quy hoạch nhận định, công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng của các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh thường kéo dài trong khoảng thời gian vài năm, tạo ra độ trễ nhất định so với xu hướng, mục tiêu, định hướng và thực tiễn phát triển của địa phương.

Mặc dù các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán, nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong khi quá trình triển khai quy hoạch có thể cần phải có những điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế khách quan, nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành sẽ tiếp tục gây chậm trễ việc thực hiện quy hoạch.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, quy định Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch là hợp lý và cần thiết. Chính sách đặc thù này cũng đã được Quốc hội thống nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng tình với việc phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, liên quan đến biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tại Điều 20 Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cơ quan soạn thảo điều chỉnh khoản 5 theo hướng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực TOD (khu vực phát triển dựa trên định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng) so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân cho rằng, việc quy định Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực TOD là đầy đủ và khái quát các yếu tố như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.