Nỗi lo rác thải miền Tây:

Kỳ 1: Thiếu dự án xử lý rác, nhà máy lại … “trùm mền”

NDO - Nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ không có nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại hoặc có mời gọi đầu tư nhưng buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều sai phạm. Nhà máy đầu tư xong lại … “trùm mền” vì xử lý không hiệu quả, rác cũ, rác mới tồn ứ mỗi ngày. Các bãi chôn lấp nhanh chóng được lấp đầy, chất cao như… núi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trở thành nỗi lo thường trực của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Bãi rác Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác nhưng xử lý không xuể.
Bãi rác Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác nhưng xử lý không xuể.

Tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện vẫn chưa có dự án đầu tư rác thải sinh hoạt với công nghệ hiện đại, xử lý rác đạt hiệu quả. Trong khi đó, các dự án đầu tư rồi thì xảy ra nhiều sai phạm, phải kết thúc dự án, nhà máy biến thành đống sắt vụn phơi mưa nắng, “trùm mền” nhiều năm.

Mặc dù trước đây, nhiều tỉnh cũng tổ chức mời gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt, cũng phê duyệt, giới thiệu, khởi công dự án rầm rộ nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng lạ kỳ. Còn một số dự án triển khai ì ạch, không bảo đảm tiến độ, công nghệ lạc hậu, sai phạm trong thực hiện đầu tư dẫn đến bị thu hồi, kết thúc.

20 năm chưa mời gọi được dự án

Lâu nay, tình trạng rác thải ùn ứ đang là một vấn đề bức xúc ở tỉnh Trà Vinh. Toàn tỉnh này hiện có 18 bãi rác, bãi trung chuyển trên địa bàn các huyện, cụm xã.

Nhằm đưa bãi rác tỉnh Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt “Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác thành phố Trà Vinh”, tổng kinh phí hơn 97 tỷ đồng, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là đốt lượng rác cũ 120.000 tấn tồn đọng 30 năm qua tại bãi rác thành phố Trà Vinh; 80.000 tấn rác còn lại không thể đốt được tỉnh này sẽ tiến hành chôn lấp.

Kỳ 1: Thiếu dự án xử lý rác, nhà máy lại … “trùm mền” ảnh 1

Nước rỉ rác đen ngòm tại bãi rác huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chỉ được ngăn cách bằng bức tường đơn giản với ruộng lúa.

Quá trình triển khai, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) trúng thầu, thi công bằng phương pháp đốt (công suất 100 tấn/ngày và chôn hợp vệ sinh). Giá trị trúng thầu là 49.522.212.000 đồng (đơn giá bốc dỡ 26.900 đồng/tấn, đơn giá đốt rác 384.100 đồng/tấn). Quy mô dự án gồm các hạng mục công trình: trạm xử lý nước thải, nhà xưởng tiếp nhận rác, đường nội bộ, khối văn phòng, cây xanh, hệ thống điện, hệ thống cấp-thoát nước, san lấp mặt bằng, hàng rào tạm, bãi chôn lấp rác.

Cuối năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Trà Vinh ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện phần dịch vụ đốt rác, thời gian thực hiện 30 tháng. Đến ngày 27/6/2020 kết thúc hợp đồng theo giấy cam kết của nhà thầu, thời gian mua sắm, lắp đặt thiết bị xử lý rác là 6 tháng, thời gian hoạt động xử lý rác 23 tháng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã phát hiện nhiều sai phạm. Tiến độ thực hiện gói thầu không bảo đảm theo hợp đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh dẫn chứng: “Từ ngày 2 đến ngày 31/12/2019, nhà thầu tiến hành xử lý đốt rác, khối lượng được xử lý: 2.967 tấn (chỉ đạt 2.5% khối lượng hợp đồng); đã bốc dỡ, vận chuyển 15.460,18 tấn rác (chỉ đạt 13% khối lượng hợp đồng)”.

Ngoài ra, Vina Encorp cũng chưa thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, khí thải chưa bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Ban đầu, Vina Encorp dự thầu bằng 5 lò đốt SH7-1000, công suất 5 tấn/giờ; nhưng sau đó, đã tự ý thay đổi thiết bị, công nghệ đốt thành 11 lò hiệu Sankyo – Nafci, công suất 500kh/giờ và bổ sung 1 lò đốt HTB 100 công suất 100 tấn/ngày. Theo báo cáo kiểm tra, việc thay đổi này không phù hợp việc đốt rác cũ nên không hiệu quả kinh tế dẫn đến phải điều chỉnh phương án gây kéo dài thời gian, dự án đã hết thời gian hiệu lực.

Vào tháng 4/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ công xử lý chất thải rắn tại huyện Vĩnh Lợi. Các ngành chức năng của địa phương đã tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ngày 31/5/2019, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1, thực hiện việc cung ứng dịch vụ công xử lý chất thải rắn công suất 150 tấn/ngày đêm. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Sa Mạc Xanh.

Khi người dân chưa kịp vui mừng thì đã vỡ mộng vì Lễ khởi công dự án trên chẳng qua là một hình thức PR của doanh nghiệp nhân dịp tỉnh Bạc Liêu tổ chức sự kiện lớn mà thôi. “Việc khởi công Nhà máy xử lý rác vào tháng 5/2019 chẳng qua là nhân dịp sự kiện “Ngày môi trường”. Thực tế, đến nay, tỉnh chưa giao cho nhà đầu tư nào đầu tư vào dự án Nhà máy xử lý rác tại xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu Lữ Thanh Tùng khẳng định.

Trong khi đó, tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu, nhiều đại biểu đã chất vấn ngành chức năng về vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường rất nhiều lần. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, việc chậm có nhà máy xử lý rác tại tỉnh Bạc Liêu là điều khiến nhiều cử tri rất bức xúc.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu Lữ Thanh Tùng giải thích, nhiều năm qua, tỉnh đã kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi và xã Tân Phong, thị xã Giá Rai nhưng vẫn chưa thể triển khai. Hơn 20 năm kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, ưu đãi, song đến nay tỉnh vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.

Thu hồi dự án, nhà máy… “trùm mền”

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh được mời gọi đầu tư từ năm 2009. Đến năm 2017, dự án được Vina Encorp đầu tư, trên cơ sở thực hiện công bố tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh được xây dựng tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, với thời gian hoạt động 20 năm, kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 10/2016 đến 4/2017.

Kỳ 1: Thiếu dự án xử lý rác, nhà máy lại … “trùm mền” ảnh 2

Bãi rác cao như núi tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu gây ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc vì 20 năm không có nhà máy xử lý rác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án bị chậm tiến độ so chủ trương được duyệt. Trong đó, nguyên nhân chính là Vina Encorp chưa tiếp cận được nguồn tài chính vay theo phương án của hồ sơ, quá trình vận hành thử phải thay đổi một số thiết bị, công đoạn xử lý cho phù hợp nguồn rác thực tế. Theo thiết kế, giai đoạn 1, Nhà máy có công suất xử lý 150 tấn/ngày đêm, chủ yếu là xử lý lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn thành phố Trà Vinh, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. “Tuy nhiên, đến nay, các hạng mục chính phục vụ cho việc xử lý rác cơ bản hoàn thành nhưng công suất xử lý rác thải chỉ đạt 48 tấn/ngày”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Minh Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh cho biết, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh do đơn vị này theo dõi. Sau kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương cho dự án giãn tiến độ đến hết năm 2020. Tuy nhiên, nhà đầu tư Vina Encorp không đủ khả năng thực hiện dự án đúng quy mô được duyệt và thời gian được điều chỉnh. “Do đó, Ủy ban nhân tỉnh Trà Vinh đã có chủ trương chấm dứt giai đoạn 2 của dự án, thu hồi khoảng 6ha đất nhà đầu tư chưa triển khai và đã thu hồi xong”, ông Lê Minh Tân cho biết thêm.

Kỳ 1: Thiếu dự án xử lý rác, nhà máy lại … “trùm mền” ảnh 3

Nhà máy xử lý Phương Thảo tại bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long giờ thành khối sắt khổng lồ phơi mưa nắng nhiều năm qua.

“Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh (Chủ đầu tư dự án đốt rác) đã lựa chọn công nghệ, thiết bị lò đốt không phù hợp việc đốt rác cũ, nội dung hợp đồng không quy định tiến độ chi tiết để kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng. Để xảy ra sai phạm này, Giám đốc và một Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã bị xử lý kiểm điểm”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Trước đó, người dân tỉnh Vĩnh Long phấn khởi khi đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Dự án do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, tổng vốn 192 tỷ đồng. Ban đầu, dự án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost bảo vệ môi trường phục vụ nông nghiệp, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 cho bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Phương Thảo, quy mô công suất 200-300 tấn rác/ngày.

Đến năm 2012, công ty được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tăng vốn lên 238 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào đầu năm 2013. Để thực hiện dự án này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ) đã cho công ty vay 200 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, công nghệ từ châu Âu.

Tuy nhiên, sau khi khánh thành vào năm 2013, nhà máy chỉ hoạt động 1/5 công suất thiết kế nên không đủ chi phí vận hành, trả lương cho công nhân. Cầm cự được khoảng 9 tháng, nhà máy phải… “trùm mền”. Đến tháng 9/2016, nhà máy xử lý rác Phương Thảo tái hoạt động và chuyển sang phương pháp đốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, rác không được xử lý hết, chất đống ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nên buộc ngưng hoạt động đến nay.