Phùng Ngọc Vân (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)
Thời gian qua, vấn đề xử phạt hành chính hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt trở nên “nóng” tại các khu dân cư. Dẫu việc phân loại rác tại nguồn đã được tuyên truyền rộng rãi từ lâu, nhưng hiệu quả của nó không thể chỉ được đánh giá qua ý thức người dân.
Có một thực trạng rất khó hiểu đang diễn ra là việc lắp đặt các thùng chứa hai ngăn riêng biệt để người dân bỏ rác, nhưng phương tiện trung chuyển, chuyên chở rác đến bãi tập kết thì lại không có. Những túi rác dù đã được chia đúng các ngăn chứa, cuối cùng vẫn được bỏ chung một chỗ như nhau. Chưa kể không ít chung cư vẫn chỉ có một đường ống xử lý rác, không hề có sự phân loại cần thiết; người dân vẫn chỉ có thể đổ các loại rác thải khác nhau vào chung một chỗ duy nhất.
Vấn đề tiếp theo tôi muốn đề cập, đó là việc trang bị các phương tiện trung chuyển rác hiện đại, đồng bộ, hoặc ít ra là đỡ “cám cảnh” hơn cho nhân viên môi trường. Chẳng ai còn lạ cảnh công nhân xử lý rác một tay lái xe máy, một tay kéo chiếc xe rác nặng nề chạy trên phố. Tình trạng này không những gây khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng nhân viên môi trường, mà còn khiến giao thông công cộng trở nên rất áp lực. Rất nhiều lần, sau ca làm việc muộn, tôi đã phải vất vả né tránh cặp phương tiện “lạ” kia bỗng chốc xuất hiện giữa đường.
Tất nhiên, tình trạng cũng như sự việc nêu trên không chiếm đa số, nhưng vẫn là những dấu hiệu đáng lo ngại về công tác trang bị công cụ, phương tiện làm việc cần thiết cho lực lượng nhân viên môi trường. Để đồng bộ, hiện đại hóa công tác thu gom rác thải, không thể mãi dựa vào các đề án xa xôi mà lãng quên những bất cập tưởng chừng rất nhỏ trong thực tế.