Nâng cao ý thức phân loại rác thải

Việc trộn lẫn rác rồi xử lý theo hình thức chôn lấp đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, phân loại rác tại nguồn là việc làm cần thiết trong việc thực hiện xử lý rác thải tại đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải chưa phân loại vứt bừa bãi trên đường phố Thủ đô.
Rác thải chưa phân loại vứt bừa bãi trên đường phố Thủ đô.

Còn đó những băn khoăn

Ở Thủ đô, thỉnh thoảng người ta lại thấy một đống rác to nằm bên lòng đường, hè phố chờ được thu dọn. Trong số ấy, có rất nhiều các loại rác thải khó phân hủy, không được phân loại như đồ nhựa, túi nylon, vật liệu xây dựng. Lâu dần, các vị trí “cấm đổ rác” trở thành những bãi rác lộ thiên, bừa bãi, bốc mùi xú uế nồng nặc. Nhiều người còn để các đồ vật đã qua sử dụng là bàn, ghế, sofa, đệm mút… ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà dân mà không cần biết các loại rác thải này có được công ty vệ sinh môi trường vận chuyển, xử lý hay không.

Ông Vũ Văn Chiến, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh, tôi thấy phần lớn người dân đều đem tất cả các loại rác thải tập trung lại một chỗ, còn việc xử lý thế nào thì tùy thuộc vào nhân viên vệ sinh môi trường. Ở đây tôi cũng chứng kiến nhiều cuộc cãi vã giữa người dân và nhân viên môi trường khi họ nhất quyết không chịu dọn chiếc sofa cồng kềnh trước cửa nhà nên hai bên lời qua tiếng lại với nhau. Sắp tới, sẽ có quy định phạt người thải rác chưa phân loại nhưng mức xử phạt như thế nào, phương thức xử phạt ra sao? Ai là người theo dõi, giám sát? Ai là người có quyền trong việc xử phạt, là người làm công tác môi trường ở địa phương, tổ dân phố hay tổ chức cộng đồng?

Một nhân viên vệ sinh môi trường đô thị tại quận Hoàng Mai cho biết, phân loại rác dù đã được đề cập từ lâu nhưng việc thực hiện gần như không có, do người dân không có thói quen phân loại rác mà chỉ tập trung đến điểm tập kết. Công việc phân loại chủ yếu do các nhân viên vệ sinh môi trường thực hiện. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, lại vất vả nên hầu hết rác thải sẽ được chuyển thẳng đến các nhà máy xử lý. Nếu người dân phân loại rác ngay từ đầu thì việc xử lý rác sẽ dễ dàng hơn. “Hiện nay, quy định thì đã có nhưng chúng tôi cũng chưa được phổ biến về cách thức thực hiện ra sao nên cũng chưa hình dung ra sẽ phải làm những gì”, nhân viên này cho biết.

Đừng để đi vào ngõ cụt

Đã có nhiều địa phương chủ động thực hiện phân loại rác tại nguồn và đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, đến hết tháng 3/2022, huyện đã có 23 xã, thị trấn tham gia chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó, có ba xã đã triển khai ở 100% số thôn là Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại đều triển khai ít nhất tại một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm.

Tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội), người dân đang thi đua gìn giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm bằng cách phân loại rác thành rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Trưởng nhóm phân loại rác thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú) Lê Thị Huế cho biết, ban đầu thực hiện thí điểm có 50 hộ tham gia, nay phong trào đã nhân rộng ra gần 200 hộ trong thôn. Hằng ngày, các nhóm tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát thực hiện việc phân loại rác thải. Riêng các thùng xốp, thùng sơn có thể tận dụng để làm thùng chứa rác hữu cơ, UBND xã hỗ trợ chế phẩm sinh học giúp các hộ ủ rác thành phân bón.

Dù hiệu quả, song các mô hình, dự án, chương trình phân loại rác ở các địa phương vẫn còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Trước đây, dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã có những kết quả tích cực trong giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, sau đó việc triển khai lại đi vào ngõ cụt mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc các đơn vị thực hiện không tự tồn tại được sau khi kết thúc dự án thí điểm.

Hiện nay, rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường. Nhiều nơi rác được phân loại tại nguồn nhưng sau đó lại đem đổ chung vào xe gom rác mang đi chôn, do đó, quy trình xử lý hậu kiểm vẫn còn những vấn đề đáng bàn. Để việc xử lý rác thải đô thị đạt hiệu quả, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước, doanh nghiệp, để từ đó thu hút được sự tham gia của người dân. Bởi việc xử phạt thì dễ, nhưng làm thế nào để thay đổi thói quen cố hữu của người dân trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường mới là mục tiêu hướng tới.

Từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực, thay thế cho hai Nghị định 155/2016/NĐ-CP và 55/2021/NĐ-CP. Trong đó có quy định, người dân phải chia rác theo ba loại gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. Mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.