Biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng

Vấn đề rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường đã có giải pháp đột phá mới, khi các nhà nghiên cứu có thể “hô biến” chúng thành các vật liệu xây dựng tiện ích.
0:00 / 0:00
0:00
Các khối vật liệu xây dựng được ByFusion tái chế từ rác thải nhựa. Ảnh: BYFUSION
Các khối vật liệu xây dựng được ByFusion tái chế từ rác thải nhựa. Ảnh: BYFUSION

Theo CNN, đầu năm 2022, lần đầu các nhà khoa học tìm thấy các hạt vi nhựa trong máu người. Còn theo ước tính mới đây của giới chuyên gia môi trường, đến năm 2040, lượng chất thải nhựa rắn sẽ chạm mốc 710 triệu tấn, gây tắc nghẽn hệ sinh thái của Trái đất, từ đại dương, sông ngòi hay trên đất liền. Trước những con số đáng báo động đó, ByFusion - một công ty khởi nghiệp được thành lập từ 2017 có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), đã tạo ra một hệ thống thu gom, xử lý rác thải nhựa không thể tái chế.

Bằng công nghệ mới, công ty đã biến các vật dụng nhựa dùng một lần thành các khối nhựa có kích thước và hình dạng tương tự các khối bê-tông thường dùng trong xây dựng. Giám đốc ByFusion, bà Heidi Kujawa cho biết, điều thú vị từ công nghệ của ByFusion là hệ thống có thể chuyển hóa rác thải thành các khối vật liệu xây dựng mà không cần phân loại hoặc làm sạch rác trước. Sau quy trình thu gom, máy móc chỉ mất vài phút để cắt nhỏ nhựa, dùng hơi nước và lực nén để nén nhựa thành các khối rắn chắc như bê-tông. Ngoài ra, hệ thống và quy trình sản xuất của công ty được vận hành hoàn toàn bằng điện, do đó có thể giảm lượng khí thải carbon.

Bà Kujawa cho rằng: “Mọi nơi trên thế giới đều đang “vật lộn” với rác thải nhựa. Do đó, việc đưa hệ thống nén nhựa vào sử dụng sẽ giảm việc chôn lấp, hạn chế lượng khí thải nhà kính, giảm nhu cầu vận chuyển và mang tới nhiều tín hiệu đáng mừng khác”.

Về lâu dài, ByFusion đặt mục tiêu có thể tái chế 100 triệu tấn nhựa vào năm 2030. Để đạt được điều này, họ dự kiến hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, chính quyền địa phương và sớm mở rộng thêm 12 cơ sở trên khắp nước Mỹ. Việc phát triển dự án trên mang đến hy vọng về giảm rác thải và góp phần xây dựng nhiều công trình hữu ích bằng nhựa tái chế.