Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi công tác quản lý giá nước sạch

NDO - Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung công tác quản lý giá cung cấp nước sạch. Hiện nay đang giao cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tự lập phương án về giá sau đó trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
0:00 / 0:00
0:00

Thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch

Chiều 20/6, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ quan tâm đến chính sách cấp nước sạch cho người dân, khẳng định nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi công tác quản lý giá nước sạch ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đại biểu, hiện nay, việc thực hiện quy định hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng. Chính vì vậy, đại biểu cho biết cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch cho nhân dân tại khoản 5 Điều 76.

Cụ thể, quy định: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về xây dựng, vận hành các công trình cấp nước, thoát nước đô thị và nông thôn bảo đảm các quy định về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho nhân dân tại Điều 28 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch cho người dân.

Đại biểu dẫn chứng thực tiễn tại Phần Lan, nước sạch có thể sử dụng trực tiếp tại vòi nước sinh hoạt của từng căn hộ. Việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và việc quản lý về rủi ro được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngưng cấp nước trong 1 năm, người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2% nếu số thời gian này vượt quá 12 giờ. Việc bảo đảm chất lượng dịch vụ cấp nước tại Phần Lan được xem như vấn đề sống còn của doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp quản lý rất chặt chẽ vấn đề này.

Đồng thời, đại biểu cũng cho biết, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung công tác quản lý giá cung cấp nước sạch. Hiện nay giao cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tự lập phương án về giá sau đó trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trong khi đó, chưa có nhiều tổ chức độc lập, có năng lực về tư vấn, kiểm định, thẩm định giá nước sạch nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của nhà nước, của đơn vị cung cấp nước sạch và người dân.

“Tôi cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, đại biểu nêu rõ, đồng thời chỉ ra tại khoản 3, Điều 23 mới quy định 6 chức năng của nguồn nước nhưng chủ yếu là chức năng cấp nước, vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung 2 chức năng lớn của nguồn nước là trữ nước và thoát nước.

Theo đại biểu, cần cụ thể hóa nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chức năng này.

Loại trừ tối đa các hành vi tác động tiêu cực tới nguồn nước

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi công tác quản lý giá nước sạch ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cũng liên quan đến chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, dự thảo luật đã quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, khan hiếm nước ngọt.

Để chính sách này có thể đi vào thực tế cuộc sống, có cơ chế để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu cho rằng cần làm rõ việc ưu tiên và các chính sách ưu đãi được thực hiện như thế nào.

Kinh nghiệm cho thấy, các chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ đạt được hiệu quả khi có các quy định, quy trình cụ thể để triển khai. Nếu các quy định về chính sách ưu đãi chỉ mang tính chất chung chung sẽ rất dễ bị vướng, thậm chí bị lãng quên khi luật có hiệu lực thi hành, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước (Điều 33), nữ đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung nội dung phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vào dự thảo luật để bảo đảm loại trừ tối đa các hành vi tác động tiêu cực tới nguồn nước.

Khoản 5 điều này quy định: Các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác, sử dụng nước khác khai thác nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ.

Đại biểu cho rằng quy định như trên còn khá dễ dãi, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước khi “gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước” tới mức nghiêm trọng mới phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Mặt khác, mức độ “ô nhiễm nghiêm trọng” cụ thể là như thế nào cũng chưa được quy định rõ.

Do vậy, đại biểu đề nghị sửa theo hướng bỏ cụm từ “nghiêm trọng”, các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác nước sử dụng không hiệu quả, gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Như vậy mới nâng cao được trách nhiệm, hiệu quả của việc phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Đặc thù của tài nguyên nước là có nhiều nguồn nước xuyên quốc gia, thậm chí là liên quan đến rất nhiều quốc gia, và các nguồn nước xuyên quốc gia này hầu hết đều là những nguồn nước lớn, đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta là một nước nông nghiệp.

Nhấn mạnh công tác giữ mối liên hệ, ngoại giao để bảo đảm an ninh nguồn nước, xử lý sự cố ô nhiễm nguồn nước vô cùng quan trọng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia để bổ sung thêm các quy định về nội dung này, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường trách nhiệm của Bộ Ngoại giao.

Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi công tác quản lý giá nước sạch ảnh 5

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước tại Chương VIII, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, qua nghiên cứu và so sánh Điều 77 với Điều 44 của dự thảo luật, đại biểu nhận thấy có nội dung chưa thống nhất về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với nhau.

Ngoài ra, theo đại biểu, các điều khoản của Chương VIII quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của các bộ, ngành Trung ương cũng như của địa phương chưa thực sự rạch ròi, cụ thể, chưa bảo đảm tính chặt chẽ và đầy đủ.

Thí dụ, trong Chương VIII chưa thể hiện được trách nhiệm của Bộ Ngoại giao như thế nào trong việc hợp tác quốc tế về bảo đảm nguồn nước xuyên quốc gia, quốc tế, hay là trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn nguồn nước hoặc hạn chế các tác hại của nguồn nước.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung này để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên nước.

Về quy hoạch chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại Điều 42, theo đại biểu, điểm a khoản 1 Điều 42 dự thảo luật có quy định "việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh".

Đại biểu cho rằng nếu chỉ căn cứ vào việc phù hợp với quy hoạch của địa phương là chưa đủ, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác, nhằm bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước cụ thể hơn, chặt chẽ thông qua các quy hoạch tổng thể, toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương.